Được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh vào cuối năm 2018, tuy nhiên kết cấu hạ tầng của thành phố Đồng Xoài còn chưa đồng bộ, đặc biệt là các tuyến đường từ nội đến ngoại thành. Xác định giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế, lãnh đạo thành phố đã thực hiện chủ trương dân vận khéo với tinh thần “việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến”. Nhờ đó, người dân thành phố Đồng Xoài đồng thuận, tự nguyện hiến hàng chục héc-ta đất trị giá hàng trăm tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, góp phần xây dựng bộ mặt thành phố trẻ ngày một khang trang, xứng tầm trung tâm tỉnh lỵ.
Tại phường Tân Bình, từ năm 2019 tới nay, người dân của phường đồng thuận hiến hàng chục héc-ta đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng bàn giao cho Nhà nước để xây dựng đường vành đai. Trị giá quy đổi từ đất và các công trình trên đất của người dân tự nguyện hiến tặng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Mới đây nhất, hàng chục hộ dân của phường Tân Bình đã đồng thuận hiến hơn 35.000m2 đất để thành phố triển khai xây dựng đường Phan Bội Châu với trị giá hơn 70 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đường Phan Bội Châu sẽ kết nối các khu công nghiệp, các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn phường với Quốc lộ 14, đường ĐT 741.
Tiên phong trong hiến đất có gia đình ông Nguyễn Hữu Đây ở khu phố Thanh Bình, thành phố Đồng Xoài. Ông và gia đình đồng thuận hiến 7.000m2 đất mặt tiền đường (ước tính bán ra trên thị trường có giá trị hàng chục tỷ đồng) và tự nguyện tháo dỡ, di dời hai căn nhà cấp 4 với diện tích 150m2 để bàn giao cho thành phố Đồng Xoài triển khai công tác thi công tuyến đường Phan Bội Châu nối dài.
Việc làm của gia đình ông Nguyễn Hữu Đây đã tạo sự lan tỏa tích cực, kết quả đến nay có toàn bộ 41 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Phan Bội Châu đã tự nguyện hiến đất, chặt hạ cây cối, tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc và bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường. Đến nay, toàn tuyến đường Phan Bội Châu đã thông tuyến và thi công hoàn thành.
Việc làm của ông Nguyễn Hữu Đây được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài Nguyễn Minh Bình cho biết: Trong năm qua, với phương châm “Dân vận khéo, việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến”, thành phố Đồng Xoài đã vận động các hộ dân đồng thuận hiến đất với tổng diện tích 42ha, trị giá hơn 500 tỷ đồng cho các công trình dân sinh.
Nhờ đó, sau 5 năm thành lập, đến nay thành phố có kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản đồng bộ, kết nối hợp lý, trong đó nhiều công trình tạo động lực có tác dụng thúc đẩy phát triển đô thị. Mặt khác, sự đóng góp của người dân đã góp phần tích cực cùng chính quyền thực hiện mục tiêu đến năm 2025: Quy hoạch phân khu phát triển gắn với quy hoạch chung được duyệt để phát triển kinh tế, hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan, môi trường; phấn đấu đạt 50% diện tích đô thị có đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt; hoàn thành 59/59 tiêu chí của đô thị loại II.
Không chỉ ở thành phố mà ở những vùng nông thôn, phong trào hiến đất làm đường cũng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Dẫn chúng tôi trên con đường bê-tông rộng 5m sạch sẽ, khang trang, có đầy đủ hệ thống đèn năng lượng mặt trời và hàng hoa sao nhái hai bên, ông Đỗ Hữu Đáng, Bí thư Chi bộ ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh cho biết: Ấp Bồn Xăng 100% con đường đã được trải nhựa hoặc bê-tông và lắp đèn chiếu sáng. Nhiều con đường được các chi hội đoàn thể và người dân hưởng ứng trồng hoa, cây xanh giúp mỗi tuyến đều xanh, sạch, đẹp và đáng sống.
Để có kết quả này, cán bộ, đảng viên, các đoàn thể trên địa bàn ấp đã thường xuyên làm tốt công tác dân vận để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ đó, việc tổ chức giải tỏa mặt bằng, huy động tiền dân đóng góp được triển khai rất nhanh. Một kinh nghiệm để làm tốt công tác vận động ở ấp Bồn Xăng đó là, sau mỗi công trình đường giao thông đều quyết toán kinh phí rõ ràng, minh bạch, đồng thời xin ý kiến người dân về việc sử dụng số tiền thừa. Khi người dân đồng thuận thì Ban điều hành ấp mới dùng làm đèn đường và các công trình phụ trong ấp. Khi làm đường tránh khu di tích Bồn Xăng VK98, ông Hà Văn Chiến đã tình nguyện hiến hơn hai sào đất sản xuất của gia đình.
Ông Chiến chia sẻ, hơn 20 năm tôi trồng hồ tiêu, cao-su, cà-phê bên cạnh bờ hồ Lộc Quang. Khi nghe tin đường mở ra sẽ chia đôi phần đất của gia đình, ban đầu tôi cũng có những băn khoăn, liệu sau khi làm đường, hành lang lộ giới có lấy thêm đất của gia đình không? Người dân có được hỗ trợ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Sau cùng, tôi vẫn thấy mình hiến đất sẽ góp sức làm nên con đường đẹp ở bờ hồ; tạo thuận lợi cho người dân, du khách đi lại, cho con em trong vùng thuận lợi đến trường, có địa điểm nghỉ mát, thư giãn tại bờ hồ…
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Bình Phước đã thật sự thay đổi rõ nét. Và thụ hưởng chính là người dân khi cảm nhận cuộc sống tại quê hương luôn đổi mới, nâng cao từng ngày. Từ đó, người dân đồng lòng hơn trong việc hiến đất làm đường, xây dựng phố phường, làng xã ngày càng giàu đẹp.