Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội

Phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó, vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh và sự hỗ trợ hiệu quả từ Trung ương, thời gian gần đây, kinh tế-xã hội của tỉnh Trà Vinh đã có những bước phát triển tích cực. Nhiều tín hiệu vui đã xuất hiện tại mảnh đất được xem là cửa ngõ ra Biển Ðông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long này...
0:00 / 0:00
0:00
Trà Vinh có lợi thế phát triển điện gió ngoài khơi.
Trà Vinh có lợi thế phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo Tỉnh ủy Trà Vinh, sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 10,27%, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp vị trí thứ sáu cả nước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 20.465 tỷ đồng, đạt 50,73% kế hoạch năm. Đến nay, Trà Vinh có 383 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, có 38 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn gần 3 tỷ USD; 347 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 144.659 tỷ đồng…

Thành quả nêu trên có được từ việc cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành thực hiện theo phương châm của Tỉnh ủy Trà Vinh "Ðoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phá, phát triển" đi vào chiều sâu, hiệu quả. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) của Chính phủ. Trà Vinh chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lấy phát triển kinh tế biển làm động lực. Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp quan trọng, có tính đột phá.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng phong trào "Trà Vinh cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, dân tộc và tôn giáo; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nhất là những dự án hạ tầng giao thông mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trên địa bàn Trà Vinh đã triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia, như: Cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 60; cầu Cổ Chiên nối hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre; đưa luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, giai đoạn 2 vào khai thác. Tháng 10/2023, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng khởi công xây dựng cầu Ðại Ngãi bắc qua sông Hậu với tổng vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2028, tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có chiều dài khoảng 53 km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng sẽ được triển khai đồng bộ. Cầu Ðại Ngãi hoàn thành, tuyến Quốc lộ 60 thông suốt sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến Thành phố Hồ Chí Minh…

Điểm nghẽn về hạ tầng giao thông được tháo gỡ dần, kinh tế của Trà Vinh có điều kiện để "cất cánh". Theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg (ngày 5/9/2011) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, khu kinh tế này có quy mô hơn 39.000 ha nằm trên địa bàn các huyện Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Ðây là khu kinh tế ven biển đa ngành, lĩnh vực, ưu tiên sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu cùng các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Ðến nay, Khu kinh tế Định An đã thu hút 16 dự án, với tổng vốn hơn 228.000 tỷ đồng, quy mô 7.383 ha. Trong đó, dự án Trung tâm Ðiện lực Duyên Hải công suất 4.400 MW, vốn đầu tư khoảng 88.000 tỷ đồng, diện tích 650 ha. Qua 10 năm hoạt động, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã phát lũy kế tổng sản lượng điện hơn 100 tỷ kW giờ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Trà Vinh.

Nhà máy sản xuất hydrogen là dự án đầu tiên của Việt Nam sản xuất năng lượng mới hydrogen được khởi công tại Trà Vinh vào năm 2023. Một số công trình, dự án khác đưa vào sử dụng đã tác động tích cực đến đời sống, sản xuất của người dân. Trạm bơm Kênh 3 tháng 2, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần cấp nước ngọt cho 25.936 ha đất nông nghiệp các huyện, thị trong tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đang triển khai dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư hơn 307 tỷ đồng với mục tiêu cấp điện sinh hoạt cho 12.269 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh được bổ sung quy hoạch trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng sáng lập và phát triển Tập đoàn Sao Mai, tập đoàn đã khảo sát, nộp hồ sơ thực hiện các dự án nhà máy điện gió V1-1 giai đoạn 2; nhà máy điện gió số 3, vị trí V3-8, tại thị xã Duyên Hải.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế biển với các nhóm ngành công nghiệp biển và ven biển; khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch biển. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp…