Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng khó khăn

Với khoảng 400 nghìn người dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ còn nhiều khó khăn, chưa bắt kịp so với các địa phương khác trong tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường cuối cùng ở xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai được bê-tông hóa.
Tuyến đường cuối cùng ở xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai được bê-tông hóa.

Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Võ Nhai, Thượng Nung có bảy xóm, trong đó có ba xóm vùng cao là Lũng Luông, Lũng Cà và Lũng Hoài với 100% số dân là đồng bào H’Mông sinh sống, chiếm hơn 40% dân số toàn xã. Cách đây hơn sáu năm, đường lên ba xóm này rất khó khăn, phải đi bộ mất cả buổi. Khi Đề án 2037 của tỉnh được ban hành, tuyến đường bê-tông từ trung tâm xã lên Lũng Luông, Lũng Cà và Lũng Hoài dài 8 km được đầu tư. Năm 2021, tỉnh tiếp tục xây dựng tuyến đường từ đầu thôn Lũng Luông vào tận khu vực Thâm Tâm, nơi có hơn 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ông Vương Văn Vàng ở xóm Lũng Luông vui mừng nói: “Khi có đường bê-tông, làng bản trở nên nhộn nhịp, các cháu học sinh đi lại thuận lợi và việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, chăn nuôi, hàng hóa đi tiêu thụ cũng dễ dàng, nhanh chóng, bảo đảm giao thông, phát triển kinh tế-xã hội cho người dân nơi đây”. Theo lãnh đạo xã Thượng Nung, đường vào khu vực Thâm Tâm được mở mới, đổ bê-tông là tuyến cuối cùng trên địa bàn xã được đầu tư, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng như xóm Lũng Luông, cách đây chưa lâu, tuyến đường bê-tông từ trục chính vào xóm Na Bả, thuộc xã Phương Giao, huyện Võ Nhai được mở mới, giúp đời sống người dân khởi sắc về mọi mặt. Ông Phan Văn Hanh, người có uy tín ở xóm Na Bả cho biết: “Không có đường, dường như chúng tôi bị tách biệt với bên ngoài, vận chuyển cái gì cũng khó, ngô làm ra nhiều bán rẻ như cho, sản phẩm từ rừng trồng không bán được nên đời sống nhân dân rất chật vật, nhiều gia đình chạy ăn từng bữa. Khi đường đi lại thuận lợi, cả xóm thay đổi nhanh chóng, tiềm năng, lợi thế được khai thác, người dân đã có của ăn của để”.

Nhìn lại giai đoạn 2015-2020, khi có Đề án 2037, tỉnh Thái Nguyên đầu tư cho những thôn, bản có đông đồng bào H’Mông sinh sống, cây, con giống, phân bón, hỗ trợ tín dụng đã tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ. Cùng đó, tỉnh đầu tư xây dựng hơn 40 km đường bê-tông từ trục chính kết nối đến các thôn, bản. Đặc biệt là từ năm 2020, tỉnh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư làm thêm đường bê-tông đến những xóm, bản xa nhất, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai Dương Văn Toản, tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xóm, bản đồng bào dân tộc thiểu số thường cao hơn nhiều so với nơi khác, mà nguyên nhân chủ yếu là giao thông khó khăn. Khi đường được mở, đổ bê-tông vững chắc, người dân không chỉ đi lại thuận lợi mà còn giúp họ có động lực để phát triển sản xuất, chăn nuôi, cho con em đến trường.

Xác định đây là chương trình trọng điểm, đầu tư toàn diện, từ năm 2022 Thái Nguyên tập trung chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Chỉ tính trong hai năm 2022 và 2023, toàn tỉnh triển khai đầu tư xây dựng 268 công trình hạ tầng theo chương trình này, đến hết năm 2023 có 176 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Phan Đức Cường cho biết: Các công trình này được giao cho cấp huyện, xã làm chủ đầu tư, trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng để đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, đời sống người dân.

Với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025, 100% số xã, xóm có đường ô-tô đến trung tâm được nhựa hóa, bê-tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 96% số đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.