Cuộc hội ngộ qua... bia đá và những ngôi mộ đôi ở Nghĩa trang Điện Biên

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Trần Đức Liệu (65 tuổi) lặn lội từ Mỹ Lộc, Nam Định lên thăm nghĩa trang Điện Biên. Nơi đây, chú của ông, cụ Trần Đức Bản đã nằm lại mãi mãi ở tuổi đôi mươi.

Cuộc hội ngộ qua... bia đá

Nắng tháng Năm đã trở nên oi ả. Đoàn khách từ Nam Định lặng thinh khi bước qua cánh cổng đồ sộ của nghĩa trang đồi A1. Phía trước mặt, đài tưởng niệm sừng sững đã nghi ngút khói. Nghĩa trang liệt sĩ chỉ nằm cách đồi A1, nơi diễn ra trận đánh cuối cùng vài trăm mét về phía nam.

Tại đây, có hơn 600 ngôi mộ đã được quy tập về. Phần lớn trong số này đều mang chung một cái tên: Chưa xác định danh tính. Bên cạnh đó, còn rất nhiều chiến sĩ khác vẫn chưa được tìm thấy phần mộ. Họ được lưu danh lại trên hàng bia đá chạy dọc hàng lang bên lối vào.

Cụ Trần Đức Bản, nguyên quán Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định là lính pháo binh tham gia mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Trong trận đánh cuối cùng trên đồi A1, cụ đã ngã xuống.

Nhiều năm trước, gia đình ông Liệu cũng nhiều lần qua lại giữa Nam Định và Điện Biên, đi khắp các nghĩa trang toàn tỉnh để kiếm tìm nơi cụ Bản nằm nhưng vô vọng. Mãi tới khi dò tìm trên tấm bảng này, họ mới nhận ra tên ông. Dòng tên gọn lỏn, không năm sinh, không ngày nhập ngũ, cũng chẳng có ngày tháng hy sinh được khắc cùng hàng trăm, hàng ngàn đồng đội khác. Các anh được phân đơn giản theo quê hương: Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa…

Dòng chữ ghi tên ông Trần Đức Bản trên bia đá hai bên Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. (Ảnh: Nhật Quang)

Dòng chữ ghi tên ông Trần Đức Bản trên bia đá hai bên Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. (Ảnh: Nhật Quang)

“Tìm được tên ông là đã mừng lắm rồi”, ông Liệu dò lại dòng chữ đã hơi bạc màu thời gian. Đoạn, ông rút chiếc máy điện thoại đã cũ, gọi video call về quê để các cô, bác, bà con được thấy chút bóng hình cụ Bản.

Item 1 of 1

Ở làng Mỹ Hà, Nam Định, bà Trần Thị Tuyến, chị dâu cụ Bản, hôm nay cũng dậy từ sớm, cùng cháu con chuẩn bị một mâm cơm giản đơn. Tới 7 giờ sáng, đồ cúng kiếng đã được sắp xếp gọn ghẽ lên ban thờ. Bà lọng cọng bật lửa, châm hương và lầm rầm khấn: “Đã 70 năm rồi, tôi vẫn chưa tìm thấy phần mộ ông. Hôm nay, cháu Liệu lại lên thăm ông. Ông sống khôn, chết thiêng, mong ông phù hộ độ trì cho các con, các cháu”.

Hàng chục năm qua, gia đình, dòng tộc bà Tuyến có thêm 2 ngày giỗ: Một ngày vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và một ngày khác vào đợt 27/7 hằng năm. Trên ban thờ vọng, bức ảnh đen trắng của cụ Bản vẫn giữ mãi những nét của tuổi mười chín, đôi mươi.

Trở lại Điện Biên những ngày này, dòng người tới viếng nghĩa trang mỗi lúc một đông. Nhiều cựu chiến binh sau 70 năm còn đủ sức cũng quay trở về, lưng còng như dấu hỏi giữa trời chiều, run run đi tìm mộ đồng đội. Họ trầm ngâm, không nói gì nhiều. Chỉ lặng lẽ thắp hương, hoặc đốt một điếu thuốc rồi cắm lên bát nhang cho anh em cùng hút. Nhưng trong đôi mắt nhăn nheo đã đỏ hoe và ầng ậng nước.

Ông Trần Quang Hữu, nguyên chiến sĩ thông tin mặt trận Điện Biên, bữa đó cũng khoác quân phục, đeo huy chương rồi nhờ cô con dâu chạy xe chở từ huyện Điện Biên lên nghĩa trang tưởng niệm. Sau chiến dịch, rất nhiều đồng đội ông đã vĩnh viễn hòa vào đất mẹ nơi đây. Riêng về phần mình, ông chọn ở lại, kiến thiết và dựng xây mảnh đất này.

“Thoáng đó mà đã 70 năm. Giờ tôi có 6 cháu rồi. Sức khỏe cũng không còn bao nhiêu. Các anh thì vẫn cứ 20, 21. Mong các anh sẽ luôn dõi theo và phù hộ các cháu, các con”, ông Hữu thì thầm, chung quanh giai điệu của bài Hồn tử sĩ vẫn vi vút trong gió chiều.

Theo sách “Huyền thoại Điện Biên” do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội phát hành năm 2014, "thung lũng Điên Biên Phủ có lẽ là một trong những nơi tập trung nhiều những linh hồn bất tử nhất trên đất nước từ xa xưa đến nay. Trong nghĩa trang, dưới chân đồi A1 chỉ có 4 anh hùng liệt sĩ có tên trên bia mộ: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can, Phan Đình Giót, còn lại hơn 600 bia mộ đều vô danh.

Các liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập và còn hàng nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy. Sau giải phóng Điện Biên, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã chọn những thung lũng đẹp nhất làm nơi chôn cất các liệt sĩ, có biển ghi tên từng người với tất cả niềm trân trọng và thương mến.

Không ai lường được rằng, những cơn lũ mạnh kéo qua thung lũng chỉ vài tháng sau quay lại các nghĩa trang trông đã tan hoang vì lũ cuốn, tất cả bia mộ đã không còn nên các mộ chiến sĩ Điện Biên bây giờ thành vô danh. Đã có biết bao anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu trong chiến trường Điện Biên và mãi mãi để lại niềm thương nhớ cho những người đang sống...".

Nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam bên ngoài được bao quanh bởi tường thành cao. Cổng chính được thiết kế theo kiểu thành cổ, hai bên là hai bức phù điêu khắc nổi tái hiện lại diễn biến những cảnh quan chiến trường và kháng chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ vĩ đại.
Đây là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng (vào các năm 1994, 2013) Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 trở thành công trình văn hóa lịch sử, hội tụ tính trang nghiêm, bền vững, thẩm mỹ, có kiến trúc và quy mô hợp lý, phù hợp với tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất đi hơn 4.000 người con ưu tú. Họ đến từ nhiều địa phương, nhiều dân tộc và đều còn rất trẻ. Sự hy sinh của họ như một bằng chứng đầy đau đớn nhưng cũng không kém phần kiêu hãnh cho lời thề quyết tử với non sông.
Tại Nghĩa trang A1, từ sáng sớm đến xế chiều luôn tấp nập những đoàn du khách đến thăm viếng, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Từ các em học sinh đến các cụ già, những cựu chiến binh đều có chung tấm lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, hy sinh để giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Những nén nhang không ngừng tắt trên các phần mộ ở nghĩa trang.

Những ngôi mộ đôi...

Không nhiều người để ý, ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên còn có không ít… mộ đôi. Nằm ngay lối dẫn vào, chếch bên phía trái, người tới viếng sẽ thấy “ngôi nhà chung” của các liệt sĩ Hoàng Văn Thục và liệt sĩ Nguyễn Văn Vun (Thanh Miện, Hải Dương). Ngay bên cạnh, liệt sĩ Nguyễn Văn Thông chung phần mộ với liệt sĩ Chu Văn Thảo. Cách không xa là nơi yên nghỉ chung của 2 liệt sĩ Đoàn Văn Hay và Trần Đình Tần. Các anh đều hy sinh khi đang ở độ tuổi 23-24 – lứa tuổi phơi phới nhất của thanh xuân.

Cách đây 5 năm, trong dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi chúng tôi lên viếng nghĩa trang, phần danh tính chung vẫn được khắc phía sau bia mộ. Một tấm bia chia đôi, mỗi người một nửa. Giờ đây, những dòng chữ ấy đã bị mưa nắng và thời gian bào mòn. Chỉ còn một vài nét bút xóa vội vã ghi dấu trên đá xanh.

Ngôi mộ đôi tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên.

Ngôi mộ đôi tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên.

Cô phóng viên trẻ đi cùng chúng tôi, cũng là cháu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đã lặng phắc trước hàng mộ đôi này. Nắm hương trên tay cô cứ vơi dần, vơi dần rồi hết tự bao giờ. Bật lửa lại được châm, bó hương mới lại cháy. Do thời gian gấp gáp, nên mải miết mãi mà chẳng thể đốt lên trên mỗi mộ chí một nén tâm tình. Cả đoàn đành quay lại đài tưởng niệm chính, cùng nhau gửi tấm lòng biết ơn tới tất cả những anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc.

Cách đó không quá xa, trên di tích đồi A1, cũng có một ngôi mộ tập thể chung. Ngôi mộ được tìm thấy khi nhân viên của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tiến hành cải tạo, chỉnh trang di tích. Hướng dẫn viên tại đây kể lại, trong một lần tiến hành trồng hoa trên khu vực đỉnh đồi, nhóm công nhân đã phát hiện ra hài cốt các cụ nằm lẫn với nhau. Ngay gần đó là một khẩu súng đã hoen gỉ.

Thông tin nhanh chóng được báo lên Ban quản lý. Sau khi rà soát và kiểm tra, người ta chỉ có thể xác định được đây là những gì còn lại của 4 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174 và 102. Không tên, không tuổi, không năm sinh. Chỉ biết họ đã cùng nhau hy sinh vào rạng sáng ngày 1/4/1954 khi sử dụng bazoka tiêu diệt một xe tăng của Pháp.

Ngôi mộ chung trên đồi A1.

Ngôi mộ chung trên đồi A1.

Theo thống kê, tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất đi hơn 4.000 người con ưu tú, mất tích 792 người, bị thương 9.118 người. Họ tới từ nhiều địa phương, dân tộc khác nhau nhưng điểm chung là đều còn rất trẻ. Như cụ Bản (đã nhắc ở đầu bài) ngã xuống khi mới ở tuổi 22. Sự hy sinh của họ, như một ngọn đuốc được đốt cháy bằng thanh xuân, bằng lời thề quyết tử và tình yêu Tổ quốc để soi sáng tới tận hôm nay.

18 giờ. Nghĩa trang vẫn còn khách. Mùi nhang nồng lên trong không gian đã ráng đỏ. Chung quanh lối đi bê-tông, vài người dân cũng bắt đầu vào để tập thể dục. Lũ trẻ, mặc áo cờ đỏ sao vàng chạy nhảy giữa những ngôi mộ lặng im. Một cuộc sống bình yên, cứ thế được tiếp nối từ ngọn lửa anh hùng từ quá khứ.

Item 1 of 4

Ngày xuất bản: 04/05/2024
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NHẬT QUANG, LÊ MINH
Trình bày: BÌNH NAM