Công cuộc khai hoang vỡ đất tại vùng cực Tây Tổ quốc khi ấy còn được ví như “luồng gió mới” thổi vào làm thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu về thói quen canh tác còn lạc hậu và dần tham gia vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Sau 70 năm, ngoài những nhân chứng còn sót lại, đợt kiến thiết kỳ vĩ ngày nào vẫn còn để lại cho Điện Biên những địa danh không nơi đâu có được: Những thôn làng mang tên… đại đội.

Cụ Nguyễn Văn Chứa, vốn là người Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Năm 1949, cụ Chứa tình nguyện lên đường tham gia đánh giặc và được cử đi Trung Quốc học nghiệp vụ quân báo. Sau khi trở về, cụ tiếp tục tham gia nhiều chiến dịch trước khi cùng đồng đội nhận lệnh hành quân vào Tây Bắc, chuẩn bị cho trận đánh sau cùng tại sân bay Mường Thanh.

Điện Biên được giải phóng, theo chủ trương chung, cựu chiến binh sinh năm 1930 cũng ở lại, chung tay xây dựng nông trường mới. Từ đó tới nay, cụ Chứa vẫn sống tại ngôi nhà nhỏ tại thôn C17, xã Thanh Xương.

Giải thích với chúng tôi, cụ Chứa cho biết: Sở dĩ tại Điện Biên, có rất nhiều tên làng, tên xóm mang phiên hiệu Đại đội bởi sau khi bộ đội “trở về” năm 1958, Nông trường Quân đội Điện Biên chính thức được thành lập.

“Tổ chức nông trường khi đi bao gồm Nông trường Bộ, các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất. Mỗi đơn vị sản xuất là 1 đại đội, gọi tắt là C, thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp. Các C được bố trí cùng với nhiều khu dân cư chung quanh. Từ đó, chúng tôi quen gọi các làng, các thôn bằng phiên hiệu”, cụ Chứa nhớ lại.

Chỉ cần nói với người Điện Biên: “Tôi muốn tới C13" là sẽ có người chỉ đường.

Mỗi lần đi lướt qua những “vết dấu” ấy, kỷ niệm về một thời gian khổ, trần mình gỡ thép gai, san lấp cánh đồng… lại ùa về.

Trần Quang Hữu
Cựu chiến binh mặt trận Điện Biên

Trong trí nhớ đã dần mờ nhòe, cụ Chứa lẩm nhẩm: Ở phía bắc thành phố Điện Biên Phủ ngày nay là C13, C7, C1.

Phía đông thành phố, vị trí Trường Chính trị tỉnh Điện Biên ngày nay là C8. Bên sông Nậm Rốm là C12, C11, C10, C6, C5 và Trung đoàn Bộ ở bản Bom La, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Xung quanh lòng chảo Điện Biên có C7, C4 nay thuộc xã Thanh Hưng…

Cựu chiến binh mặt trận Điện Biên Trần Quang Hữu cũng là người cùng thôn tiếp lời: C17 là đơn vị thông tin của Trung Đoàn. Trước đây, khi thành lập Nông trường, bộ đội sẽ được… chia về ở chung với dân cư. Đơn vị nào ở đâu là cái tên C được hình thành ở đó.

Cụ Trần Quang Hữu chia sẻ về nguồn gốc thôn Đại đội C17.

Cụ Trần Quang Hữu chia sẻ về nguồn gốc thôn Đại đội C17.

Thậm chí, nhiều nơi còn được đặt theo… mô hình sản xuất chính của giai đoạn vỡ đất, vỡ cát tái thiết chiến trường xưa. Như tại Thanh Xương hiện nay còn có các địa danh như Đội Chăn nuôi 2, bản Ten (đặt tên theo cây Mắc Ten được trồng trong giai đoạn đầu khai hoang phục hóa)…

Nhiều nơi còn được đặt theo… mô hình sản xuất chính của giai đoạn vỡ đất, vỡ cát tái thiết chiến trường xưa.

“Trước đây, đi tới đâu mà thấy các bản làng có chữ C nghĩa là đơn vị sản xuất bộ đội ở đó. Về sau, do chính sách sát nhập và đổi tên đơn vị hành chính nên những địa danh này mất dần đi”, ông Hữu nhớ lại.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng rộng thênh thang đã được bê-tông hóa của xã Thanh Xương, người cựu chiến binh 94 tuổi chỉ từng dấu tích còn sót lại của “làng Đại đội xưa”.

Đó là chiếc cổng thôn vừa được dựng khang trang, ngay sát bên mặt quốc lộ chạy từ trung tâm thành phố về Cửa khẩu Tây Trang; là dòng chữ cũ kỹ được đắp lên trước hội trường thôn chang chang nắng.

Thấy khách tới hỏi, cụ Phạm Văn Ngân run run thay áo quần, đeo lên ngực tấm huy hiệu chiến sĩ Điện Biên đã bạc phếch màu năm tháng.

Thấy khách tới hỏi, cụ Phạm Văn Ngân run run thay áo quần, đeo lên ngực tấm huy hiệu chiến sĩ Điện Biên đã bạc phếch màu năm tháng.

Ông bảo, mỗi lần đi lướt qua những “vết dấu” ấy, kỷ niệm về một thời gian khổ, trần mình gỡ thép gai, san lấp cánh đồng… lại ùa về. Như một sự nhắc nhớ, như một đốm sáng trên bầu trời đêm, chúng gợi lại trong thế hệ những nông binh hạ sao như các ông rất nhiều ký ức.

Tại phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, cũng có một địa danh tương tự là C13. Nhà cụ Phạm Văn Ngân, cựu chiến binh trực tiếp đánh trận đồi A1 nằm đối diện nhà trẻ trong khu. Thấy khách tới hỏi, cụ run run vào thay áo quần, đeo lên ngực tấm huy hiệu chiến sĩ Điện Biên đã bạc phếch màu năm tháng.

Dù giờ chỉ được đặt cho chợ, cho cầu, cho khu tái định cư, nhưng cụ Ngân bảo: Tất cả những người dân sống lâu đời ở đây đều mặc định C13 chính là tên… làng, tên xóm. Đến độ, chỉ cần nói với người Điện Biên: “Tôi muốn tới C13" là sẽ có người chỉ đường…

Tiếp tục hành trình đi tìm dấu tích những ngôi làng bộ đội còn sót lại – ký ức về những ngày vỡ đất, vỡ cát ở nông trường Điện Biên, chúng tôi được chỉ dẫn về thôn C4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Sở dĩ, nơi đây có tên C4 bởi đây là thôn của những cựu binh đại đội 4, trung đoàn 174 của sư đoàn 316.

Sau chiến thắng Điện Biên, những người lính ở lại để tham gia xây dựng, phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc, và họ chọn mảnh đất này để lập thôn lập làng... Đây từng được coi là “làng bội đội” lớn nhất nhì tỉnh khi vào giai đoạn cao điểm, gần 1/3 số hộ dân đều đi lính, từ lính Điện Biên, lính đánh Mỹ đến lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; trong đó có tới gần 20 người từng trực tiếp đánh trận Điện Biên.

Đây từng được coi là “làng bội đội” lớn nhất nhì tỉnh khi vào giai đoạn cao điểm, gần 1/3 số hộ dân đều đi lính, từ lính Điện Biên, lính đánh Mỹ đến lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; trong đó có tới gần 20 người từng trực tiếp đánh trận Điện Biên.

Cựu binh Ngô Minh Tuấn và vợ là bà Bùi Thị Biên hiện đang ngụ tại C4 chính là lớp hậu duệ thứ hai của các chiến sĩ Điện Biên. Sau khi kết thúc chiến dịch 56 ngày đêm, bố ông là cụ Ngô Bá Nhẽ quyết định ở lại tham gia xây dựng kinh tế mới. Vài năm sau, cụ trở về quê nhà Hải Dương đón vợ con lên và định cư ngay trong “ngôi làng bộ đội” này.

Trùng hợp, cụ Nhẽ có người bạn cùng chiến đấu là cụ Bùi Quang Thung, ở Kiến Thụy, Hải Phòng cũng theo đoàn quân trở về kiến thiết Tây Bắc. Cụ Thung khi đó biên chế ở C14. 4 năm sau chiến dịch, Cụ Thung trở về quê cưới vợ rồi “bắt cóc” bà lên đất mới nông trường.

Nhắc lại chuyện của cha mẹ, bà Biên bật cười bảo: Khi bà lớn, mẹ bà vẫn kể, trong một lần cụ Thung về nghỉ phép đã… ngấm ngầm đưa bà đi, bất chấp sự phản đối của gia đình hai bên.

Bà Biên say sưa kể chuyện hứa hôn từ thuở lọt lòng của mình và chồng...

Bà Biên say sưa kể chuyện hứa hôn từ thuở lọt lòng của mình và chồng...

“Một năm sau thì tôi ra đời. Các cụ cũng lấy chữ Biên trong Điện Biên để đặt tên cho tôi. Từ đó, cả nhà đều xác định Điện Biên đã là quê hương rồi”, bà Biên nói.

Cũng thời điểm ấy, cụ Nhẽ và cụ Thung quyết định… hứa hôn cho 2 đứa trẻ, 2 công dân mới toanh trên nông trường quân đội. Và, hơn 20 năm sau, thế hệ thứ hai ấy cũng lớn lên, yêu nhau và kết đôi hạnh phúc trên ngôi làng bộ đội.

Ngừng lại một lát, bà Biên tiếp lời: “Ngày bé, chúng tôi thắc mắc vì sao bố mẹ lại bỏ quê dưới đồng bằng để lên núi với rất nhiều khó khăn. Cả hai cụ (bố chồng và bố đẻ - PV) đều bảo: Điện Biên là nơi các ông và đồng đội đổ máu, hi sinh để giành lại. Nên trách nhiệm của người còn sống là phải tiếp tục bảo vệ, giữ gìn bằng tất cả những gì mình có”.

Một năm sau thì tôi ra đời. Các cụ cũng lấy chữ Biên trong Điện Biên để đặt tên cho tôi. Từ đó, cả nhà đều xác định Điện Biên đã là quê hương rồi.

Bùi Thị Biên

Riêng ông Tuấn, nghe theo lời dạy bảo, năm 1979 đã xung phong nhập ngũ lên đóng quên ở biên giới Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu). Sau này, ông tiếp tục học sĩ quan và về công tác tại huyện đội Điện Biên, lên tỉnh đội Điện Biên đến tận năm 1990 mới phục viên.

Nhiều năm đã qua đi, phần lớn lớp cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại “làng” đã rủ nhau về miền sáng. Người còn sống cũng chẳng đủ minh mẫn và sức khỏe để chuyện trò lâu. Chúng tôi đã cố gắng ghi lại những dấu vết còn sót lại của “làng” theo cách… vật lý nhất khi vừa đi, vừa hỏi và chụp lại những biển, bảng, tên xóm, tên cầu còn mang bóng hình quá khứ.

Ngày nay, các cụ vẫn luôn động viên con, cháu hăng hái lao động để đóng góp xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển.

Đồng chí Trần Quốc Cường
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Ở phía đường lớn dẫn về thành phố Điện Biên Phủ, cây cầu bê-tông mang tên C4 đã được chỉnh trang khang trang đón chờ những ngày tháng 5 lịch sử.

Được xây năm 2017, với sự hỗ trợ của nước bạn Nhật, cây cầu như một chỉ dấu cho tương lai đang mở rộng ra cho làng bộ đội…

Đánh giá về vai trò của các chiến sĩ Điện Biên, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh: Các chiến sĩ Điện Biên Phủ không chỉ lập công tại chiến trường để góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” , mà sau khi chiến dịch kết thúc, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều chiến sĩ Điện Biên Phủ đã chuyển sang tham gia làm lãnh đạo, chỉ đạo hay làm công nhân của các nông trường, các hợp tác xã.

Người dân Mường Ảng thu hoạch cà-phê. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

Người dân Mường Ảng thu hoạch cà-phê. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

“Rất phấn khởi là ngày nay, thương hiệu cà-phê Điện Biên đang trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất của Việt Nam. Chính các cựu chiến binh, chiến sĩ Điện Biên Phủ khi chuyển sang các nông trường, hợp tác xã đã trồng cây cà-phê. Bên cạnh đó còn là các tổ sản xuất trồng lúa trên cánh đồng Mường Thanh tạo ra những thương hiệu gạo nổi tiếng. Đặc biệt,  ngày nay, các cụ vẫn luôn động viên con, cháu hăng hái lao động để đóng góp xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển”, đồng chí khẳng định.

Những dấu tích bộ đội

Địa danh C4 đã được hành chính hóa sau gần 70 năm...

Những chỉ dấu xưa cũ của làng... đại đội.

Cây cầu mang tên C4 được xây dựng bề thế và khang trang...

Những xóm làng mang... số hiệu tại Điện Biên.

Bình yên chợ C13...

Chiều cuối tháng 4. Mặt trời đỏ lựng cũng trốn cái nóng như nung nên dần lặn khuất sau dòng Nậm Rốn.

Cánh đồng Mường Thanh vẫn trải rộng, như những tấm chiếu cỡ lớn màu xanh xếp ngay ngắn trong lòng bình địa. Chạy xe giữa thảm lúa vào độ trổ đòng, hít đầy ngực hương sữa mới của vụ mùa, chúng tôi chợt thấy xôn xao. Cánh đồng này, con đường này, mảnh đất này… chính là thành quả hữu hình nhất của mồ hôi, máu và nước mắt của những cư dân các “thôn, làng” bộ đội dựng xây nên.

Dù hiện tại, nhiều cái tên đã, đang mất dần đi do đổi thay địa danh hành chính, nhưng tôi chợt nghĩ: Sự tồn tại của chúng vẫn sẽ mãi được giữ thông qua ký ức cộng đồng – một dạng lưu trữ đặc biệt; đúng theo cách Nguyễn Khoa Điềm từng viết:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...

Ngày xuất bản: 4/5/2024
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NHẬT QUANG
Trình bày: NGỌC DIỆP