Huy động mọi nguồn lực cứu trợ người dân bị cô lập tại miền núi Quảng Nam

Bão số 9 đi qua hơn năm ngày rồi, nhưng công tác tìm kiếm nạn nhân bị chết và mất tích trong các vụ sạt lở tại khu vực miền núi cao của tỉnh Quảng Nam vẫn chưa kết thúc. Hiện toàn tỉnh có 20 người còn mất tích tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My và Hiệp Đức; khoảng ba nghìn hộ dân tại vùng núi cao huyện Phước Sơn bị cô lập, cần phải được hỗ trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm kịp thời. 

Lực lượng chức năng gùi hàng hóa vào tiếp tế cho người dân bị cô lập tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.
Lực lượng chức năng gùi hàng hóa vào tiếp tế cho người dân bị cô lập tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, bão số 9 kèm theo mưa lũ lớn kéo dài đã gây hậu quả nặng về người, tài sản của người dân và hệ thống hạ tầng ở Quảng Nam. Cơn bão này đã gây ra những vụ sạt lở núi gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại huyện Nam Trà My và huyện Phước Sơn. Theo thống kê sơ bộ, bão số 9 đã làm gần 300 ngôi nhà bị sập, hơn 27.600 ngôi nhà bị hư hỏng. Hệ thống hạ tầng như: giao thông, thủy lợi điện, trường học, trạm y tế, công sở… bị sạt lở, thiệt hại nặng nề; hàng chục héc-ta cây trồng, rau màu bị ngã đổ, vùi lấp… Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh khoảng 3.845 tỷ đồng. Ðáng nói, bão lũ đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất tại khu vực miền núi làm 27 người chết, 81 người bị thương và 20 người đang mất tích vẫn chưa tìm được.

Tại huyện vùng cao Phước Sơn, dù bão, lũ đã đi qua, mực nước trên các sông đã xuống thấp, nhưng tuyến đường huyết mạch từ thị trấn Khâm Ðức vào các xã: Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bị sạt lở núi, vùi lấp; hệ thống cầu cống bị cuốn trôi chưa thể khắc phục được, gây ách tắc giao thông. Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Quảng thông báo, trận bão vừa rồi gây sạt lở núi nặng quá, tuyến đường huyết mạch vào xã Phước Lộc bị tê liệt hoàn toàn. Tại xã Phước Lộc đã xảy ra hai điểm sạt lở đất tại thôn 1 và thôn 3 làm 13 người chết và mất tích. Trong đó, có hai cán bộ xã Phước Lộc đi sơ tán dân cùng bị đất sạt lở vùi lấp mất tích. Sau khi bão tan, lực lượng cứu hộ chủ lực được tỉnh và Quân khu 5 vào chi viện để hỗ trợ tìm kiếm, nhưng chưa thể tiếp cận hiện trường được, vì tắc đường. Do vậy, UBND huyện phải huy động tối đa lực lượng dân quân và người dân tại địa phương nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Sau bão đi qua, chính quyền địa phương không chỉ lo huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích tại xã Phước Lộc, "giải cứu" 210 công nhân bị cô lập tại Nhà máy Thủy điện Ðăk Mi 2 mà phải còn lo tìm đường vận chuyển lương thực, thực phẩm vào hỗ trợ cho gần 3.000 hộ dân xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đang bị cô lập từ sau bão số 9 đến nay. Trong sáng 1-11, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã được Sư đoàn Không quân 372 chuyển đến tiếp tế cho người dân xã Phước Lộc bằng máy bay. Cũng trong sáng cùng ngày, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên bằng đường bộ được lực lượng cứu hộ băng rừng, lội suối vận chuyển vào tiếp tế cho người dân xã Phước Thành.

Ðến nay, toàn bộ số công nhân bị mắc kẹt tại Nhà máy Thủy điện Ðăk Mi 2 đã được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi nơi cô lập.

Thông tin với chúng tôi vào cuối giờ chiều 2-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, trong hai ngày 1 và ngày 2-11, Sư đoàn Không quân 372 đã thực hiện năm chuyến bay, đưa tám tấn lương thực, hàng hóa… vào tiếp tế cho người dân xã Phước Lộc. Hơn 450 cán bộ, chiến sĩ của tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn vượt qua chặng đường hàng chục km bị sạt lở, chia cắt để vận chuyển 15 tấn hàng hóa đến tiếp tế cho người dân xã Phước Thành; đồng thời đưa 1,2 tấn hàng hóa để hỗ trợ người dân xã Phước Lộc.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, Hồ Văn Phức chia sẻ, sau bão số 9, người dân cả xã bị cô lập, chính quyền địa phương rất lo lắng, sợ người dân đói vì thiếu lương thực, nhưng đến nay đã có hàng cứu trợ Nhà nước chuyển đến kịp thời. Tuy nhiên, thiệt hại do bão lũ gây ra tại địa phương cần phải lâu dài mới khắc phục được. Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Lưu Huyền Thoài thông tin, nỗi lo thiếu lương thực cho người dân đã được giải tỏa. Ðịa phương đang khẩn trương đưa gạo, hàng hóa tiếp tế kịp thời cho người dân ở các thôn, nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Theo thông tin từ Sở Chỉ huy tiền phương tỉnh, trong ngày 2-11, lực lượng chức năng đã tìm được thi thể ba nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại xã Phước Lộc. Trong đó, có thi thể anh Hồ Văn Ðộ, Phó Bí thư Ðoàn xã Phước Lộc bị mất tích từ chiều 28-10 khi đang đi làm nhiệm vụ. Ðến nay, tại xã Phước Lộc còn bốn người vẫn chưa tìm thấy, trong đó có một cán bộ xã. Riêng 14 nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng vẫn chưa tìm được tung tích.

Theo số liệu từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, đến nay, số tiền đăng ký hỗ trợ qua kênh Mặt trận tỉnh hơn 35 tỷ đồng; trong đó số tiền chuyển vào tài khoản 20,5 tỷ đồng. Ngoài ra, số hàng hóa nhu yếu phẩm có giá trị khoảng 1,8 tỷ đồng. Mặt trận tỉnh đã phân bổ 14 tỷ đồng để xây mới 232 căn nhà, hỗ trợ sửa chữa 366 căn nhà; hỗ trợ cho gia đình 
23 trường hợp bị chết do mưa lũ…