Hướng tới hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa

Ủy ban đàm phán liên chính phủ về rác thải nhựa vừa nhóm họp tại Canada, với sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 176 quốc gia, nhằm thúc đẩy xây dựng hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy tái chế nhựa ở Bangladesh. (Ảnh REUTERS)
Nhà máy tái chế nhựa ở Bangladesh. (Ảnh REUTERS)

Cộng đồng quốc tế kỳ vọng thỏa thuận sẽ sớm cán đích, góp phần huy động sức mạnh tập thể trong cuộc chiến bảo vệ Trái đất khỏi mối đe dọa từ rác thải nhựa.

Thư ký điều hành Ủy ban đàm phán liên chính phủ về rác thải nhựa Jyoti Mathur-Filipp khẳng định, con người và Trái đất đang gánh chịu những tổn thất nặng nề do ô nhiễm nhựa.

Tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng một hiệp ước toàn cầu, mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Kể từ khi được khởi động năm 2022, bốn vòng đàm phán đã được tổ chức, lần lượt tại Uruguay, Pháp, Kenya và mới đây nhất là Canada.

Để hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành hiệp ước vào cuối năm nay, các nhà đàm phán đang nỗ lực giải quyết những bất đồng còn tồn tại liên quan phạm vi hiệp ước.

Theo Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen, đây sẽ là thỏa thuận quốc tế quan trọng nhất mà thế giới đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ sau Hiệp định Paris năm 2015, bởi ô nhiễm nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt.

UNEP cho biết, thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Sức tàn phá của tình trạng ô nhiễm nhựa ở đại dương là không thể phủ nhận, với những đảo rác trôi nổi, nhiều loài sinh vật biển chết do ăn phải nhựa và nhất là việc hải sản bị nhiễm hạt vi nhựa.

Theo UNEP, nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể tăng mạnh, từ khoảng 9 đến 14 triệu tấn trong năm 2016 lên mức 23 đến 37 triệu tấn vào năm 2040.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nhựa tăng nhanh đột biến là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Hơn 90% nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và khoảng 4% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được tạo ra liên quan việc sản xuất, chuyển đổi và quản lý chất thải nhựa.

Theo các chuyên gia, lượng khí thải liên quan nhựa có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060. Trong khi đó, hoạt động tái chế chưa được chú trọng. Thống kê của UNEP chỉ ra rằng, chỉ 9% nhựa được tái chế, khoảng 79% bị thải ra các bãi rác hoặc môi trường và có thể tồn tại trong thời gian dài do khó bị phân hủy.

Không chỉ là mối nguy hại đối với môi trường tự nhiên, ô nhiễm nhựa cũng đe dọa kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, nhất là khi các hạt vi nhựa được tìm thấy trong thực phẩm thiết yếu và thậm chí trong cơ thể con người.

Nghiên cứu cho thấy con người ăn phải hạt vi nhựa qua hải sản bị ô nhiễm, nhưng đó không phải là cách duy nhất chúng có thể xâm nhập cơ thể. Hạt vi nhựa cũng xâm nhập đất đai, không khí, nước máy và đồ uống đóng chai. Các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu và thậm chí cả nhau thai người.

Nhà nghiên cứu cao cấp Cassandra Rauert thuộc Liên minh Khoa học sức khỏe môi trường thuộc Đại học Queensland (Australia) nhấn mạnh, con người đang hít phải nhựa mỗi ngày và nuốt chúng qua thức ăn và nước uống.

Ngoài ra, con người không phải là những sinh vật duy nhất đối mặt nguy cơ từ ô nhiễm nhựa. Ước tính mỗi năm có hàng triệu sinh vật biển chết do ăn hoặc vướng phải nhựa.

Giới chuyên gia cho rằng, vấn đề ô nhiễm nhựa cần được giải quyết, nhưng cách tiến hành và lộ trình thực hiện như thế nào là điều rất quan trọng, bởi mỗi quốc gia có trình độ phát triển và hoàn cảnh riêng.

Vì vậy, giai đoạn nước rút từ nay đến cuối năm là cơ hội quý giá để các bên xử lý những bất đồng, nhất trí về một hiệp ước giúp thế hệ tương lai được sống trong một thế giới không có ô nhiễm nhựa.