Hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng biên

Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã giúp người dân huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) có việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) thu hoạch rau tại Nhật Bản.
Người dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) thu hoạch rau tại Nhật Bản.

Anh Lý Chỉn Hùng ở bản Nà Giang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn, đời sống kinh tế của gia đình phụ thuộc chủ yếu vào nương sắn, nương ngô và một số ruộng lúa, quanh năm bám nương, ruộng nhưng cuộc sống vẫn còn vất vả.

Sau khi được nghe về chính sách hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động, thông qua tuyên truyền của cán bộ xã, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, sự động viên của cán bộ bản, anh Hùng đã nhận thức, thấy được lợi ích và thực tế công việc của những người trước đó đã đi xuất khẩu lao động.

Với ý chí muốn thay đổi và tìm cơ hội thoát nghèo, anh Hùng đã mạnh dạn vay vốn theo nguồn ưu đãi để đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Anh Hùng tâm sự, bản thân muốn thoát nghèo, nhưng lúc đầu do chưa mạnh dạn, quyết tâm nên cũng lo lắm. Khi đi xuất khẩu sang Nhật Bản, làm các công việc thấy không vất vả như làm ruộng, làm nương ở nhà, thu nhập cũng cao hơn nhiều lần nên anh thấy yên tâm. Sau 5 năm đi xuất khẩu lao động, giờ gia đình anh đã ổn định, thoát nghèo; nhà cũng làm sắp xong. Hiện tại, anh đang hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, mong muốn sau này về có vốn để làm ăn…

Theo thống kê của UBND xã Bản Lang, từ đầu năm đến nay, toàn xã có gần 90 người tham gia xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Việc được đi lao động hợp pháp tại nước ngoài đã giúp cho người dân xã biên giới này có việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND xã Bản Lang Nguyễn Văn Thủy cho biết: Trước đây, chỉ tiêu người đi xuất khẩu được giao về xã, nhưng người dân chưa thật sự tin tưởng, rất khó thực hiện. Hiện nay, cùng với việc tuyên truyền, vận động của chính quyền các cấp, bản thân người dân đã chứng kiến người thật, việc thật nhiều người trong xã, trong bản đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, gia đình nhờ đó có cuộc sống ổn định hơn, nên bây giờ ở xã nhiều người đăng ký đi.

"Hiện, xã đã có 86 người đi xuất khẩu lao động tại các nước; nhiều người đi gửi tiền về đã xây được nhà, gia đình ở nhà cũng có vốn để chăn nuôi sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã", ông Thủy thông tin thêm.

Phong Thổ là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu. Những năm qua, cùng với việc lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân giải quyết việc làm tại chỗ, huyện cũng rất quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động.

Nhờ triển khai hiệu quả chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp vào tuyển dụng lao động nên số lượng người đi xuất khẩu lao động của huyện tăng lên theo từng năm.

Trong ba năm gần đây, huyện có gần 400 lao động đi làm xây dựng, cơ khí, nông nghiệp… tại các thị trường Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…; mức lương trung bình 22-25 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn thu nhập cao, ổn định của những người đi xuất khẩu lao động gửi về đã tạo động lực mới cho người dân các dân tộc vùng biên, vùng khó thay đổi nhận thức, mạnh dạn tham gia thị trường lao động xuất khẩu đầy tiềm năng này.

Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phong Thổ Vũ Văn Trung cho rằng: "Người dân trước đây chưa thấy rõ về lợi ích, công việc khi đi xuất khẩu lao động. Ðể giúp người dân, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền với những người lao động có nhu cầu; đồng thời phối hợp với các phòng, ban, cơ quan chuyên môn để giúp người dân thay đổi nhận thức".

Trong những năm qua, các phòng, ban huyện Phong Thổ đã phối hợp với các công ty, đơn vị tuyển dụng trực tiếp xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, nghe dân hỏi và giải đáp cụ thể cho người dân về những nghi ngại; đồng thời, giới thiệu hình ảnh trực quan về những việc người đi xuất khẩu sẽ làm và thí dụ cụ thể cho người dân về những người đã đi xuất khẩu trước đây để tạo niềm tin và giúp người dân yên tâm tham gia.

Cùng với hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện cũng giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ vậy, số lượng người tham gia xuất khẩu lao động ở Phong Thổ đã tăng nhanh và đạt thu nhập ổn định bình quân hơn 20 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu lao động đã mang đến "luồng sinh khí mới" giúp người dân vùng biên, vùng khó của huyện Phong Thổ, giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.