Cùng suy ngẫm

Hướng mở cho hành trình di sản văn học

Tại Hà Nội, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã phối hợp một công ty ra mắt tour du lịch văn học “chữ Tâm, chữ Tài”. Đây là sự kiện đặc biệt mở màn cho nhiều hoạt động khác nhằm thúc đẩy, lan tỏa giá trị văn học trên hành trình di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Tour du lịch văn học thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Mai Lữ
Tour du lịch văn học thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Mai Lữ

Bảo tàng Văn học Việt Nam thành lập từ năm 2011 và đến ngày 26/6/2015, bảo tàng chính thức mở cửa đón khách tham quan. Nơi đây trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu được chọn từ 55.000 hiện vật gồm những di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các thế hệ văn nghệ sĩ tinh hoa của văn chương nước nhà.

Bảo tàng được kỳ vọng trở thành “ngôi đền văn chương” thu hút nhiều du khách bởi tình yêu văn chương đã thấm sâu trong tâm hồn người Việt và đi vào từng bài học được giảng dạy trong nhà trường ở mọi cấp học.

Tuy nhiên, mở cửa đã lâu, song nhiều năm nay số lượng khách tham quan vẫn rất thưa vắng. Ban quản lý có nhiều ưu đãi dành cho du khách, như: miễn phí vé gửi xe; giảm giá cho học sinh, sinh viên… nhưng vẫn chưa tạo nên sức hút vì xét cho cùng phương thức vận hành còn cũ kỹ, chậm cập nhật, không linh hoạt trong nắm bắt, kết nối...

Trong buổi đầu tiên vận hành tour du lịch văn học, có thể nhận thấy một bầu không khí mới mẻ, khác biệt đã đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam. Lượng du khách quan tâm, tham gia, tương tác khá đông đảo. Không chỉ thuyết minh cho du khách về nội dung trưng bày, các nhân vật, sự kiện theo lối thông thường, đơn vị tổ chức còn kết hợp nhiều hình thức phong phú khác.

Thí dụ, tại khu trưng bày tư liệu hiện vật về nhà văn Nam Cao sẽ có tiểu phẩm Chí Phèo-Thị Nở được các nghệ sĩ trẻ sáng tạo và biểu diễn. Tại khu trưng bày của cặp đôi thi sĩ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh có các nhà thơ trẻ chia sẻ câu chuyện, cảm xúc về thơ ca và trình diễn tác phẩm.

Trong 90 phút diễn ra tour, đội ngũ vận hành cũng chủ động để người tham quan tương tác với nội dung trưng bày thông qua phát biểu cảm nghĩ, đọc thơ, hát… Nhiều trò chơi dân gian, quà tặng cũng được ban tổ chức kết hợp vào chương trình một cách ngẫu hứng, tạo nên nét riêng độc đáo, ấn tượng với du khách.

Tour du lịch văn học đầu tiên mở ra nhiều gợi ý cho hành trình gìn giữ, phát triển tinh hoa của di sản văn học. Các gia đình, nhà trường, địa phương… có thể định hướng cho giới trẻ quan tâm tới văn học nhiều hơn bằng việc tham gia vào tour du lịch. Những phần thưởng, quà tặng… cho học sinh, sinh viên có thể là chính tour du lịch kể trên.

Ngoài ra, ở các địa phương sẵn nền tảng về di sản văn học, là quê hương của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng có thể kết hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam và các đơn vị khác tạo nên nhiều chuỗi du lịch hành trình từ bảo tàng về các miền di sản...

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 188 bảo tàng, trong đó 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Thời gian gần đây, một số bảo tàng đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách.

Hiện cả nước có 188 bảo tàng, trong đó 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập.

Thí dụ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có Phòng giáo dục nghệ thuật; Bảo tàng Hồ Chí Minh có không gian cho các hoạt động học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Lịch sử quốc gia có Câu lạc bộ Em yêu lịch sử; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có không gian ngoài trời dành riêng cho các chương trình giáo dục di sản văn hóa; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành, trường học trong cả nước…

Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng ở các tỉnh, thành phố còn linh hoạt đưa di sản tới cơ sở thông qua các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề, góp phần giới thiệu quảng bá giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương đến đông đảo công chúng. Nhiều tỉnh trung bình hằng năm thực hiện khoảng 5-20 cuộc trưng bày chuyên đề/lưu động/chương trình giáo dục học đường; tiêu biểu có thể kể đến: Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, Sơn La, Gia Lai…

Trong bối cảnh đời sống hiện tại, để tạo nên dấu ấn cho hành trình của di sản văn học, Bảo tàng Văn học Việt Nam cần nhanh chóng triển khai việc kiến tạo không gian, cách tiếp cận mới. Ứng dụng công nghệ, đầu tư có chiều sâu, không ngừng đổi mới sáng tạo, nắm bắt thị hiếu và tích cực quảng bá rộng rãi hơn nữa… là những yêu cầu cơ bản giúp hành trình di sản văn học sớm được biết đến và ngày càng trở nên sinh động, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.