Hạn chế nằm ở khâu thể chế hóa, cụ thể hóa
Thưa PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, ông nhận định gì về vai trò, tầm vóc và tính thiết thực của Hội thảo?
Con đường để đưa đường lối, nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; để nghị quyết thật sự biến thành hành động cách mạng và “đơm hoa kết trái” trong cuộc sống thì phải được thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời bằng pháp luật, chính sách và cơ chế của Nhà nước. Không làm tốt khâu thứ hai này thì cho dù việc xây dựng, lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện nghị quyết có công phu, nghiêm túc đến đâu; nội dung nghị quyết có sâu sắc, đúng đắn đến đâu cũng sẽ bị “đứt gãy”, bị giảm tính hiệu lực và hiệu quả. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề trên là một chủ trương đúng đắn, mang tính chủ động, tích cực và tiên quyết để đưa đường lối, nghị quyết của Đảng đi sớm, đi đúng vào cuộc sống trước yêu cầu mới.
Hội thảo có mục tiêu đưa ra giải pháp thể chế hóa kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thành luật pháp và các chính sách cụ thể, phù hợp đặc thù hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới. Mục tiêu này sẽ tạo động lực thế nào cho phát triển văn hóa, thưa ông?
Chúng ta cùng nhớ lại, cùng quán triệt sâu sắc hơn đường lối, quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và phát triển sự nghiệp văn hóa của nước nhà hơn 75 năm qua. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Hà Nội đón tiếp hơn 200 nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu trong cả nước tham dự. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Từ cách đặt vấn đề “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh gian khổ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, họp từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại Việt Bắc. Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị, Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”. Ba ngày sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai là Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25/7/1948. Hơn 80 văn nghệ sĩ đại biểu cho các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến đã về dự. Năm 1951, nhân Triển lãm hội họa ở Việt Bắc, Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ, Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người đề cao vai trò xung kích của văn hóa, văn nghệ; cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự... văn hóa phải tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Khi đã xác định “chính trị, kinh tế, văn hóa đều phải coi là quan trọng ngang nhau”, thì trong xây dựng chiến lược phát triển đất nước, trong việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa thành chính sách, pháp luật, cơ chế, nguồn lực cũng phải dành cho văn hóa sự quan tâm và đầu tư đúng mức.
Trong thời gian vừa qua, cả hệ thống chính trị đã tích cực triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, văn hóa thật sự đã được quan tâm một cách đầy đủ, đầu tư đúng mức hay chưa, theo ông?
Dường như bấy lâu nay, ta chưa nhận thức đúng và làm đúng, làm đủ khâu này. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển. Chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách; cần có nhiều chương trình, đề án, nguồn lực đầu tư cho văn hóa, con người hơn nữa.
Trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách
Với riêng lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, ông có thể đưa ra nhận định thế nào?
Gần 10 năm trước, khi cùng các đồng nghiệp ở Ban Tuyên giáo Trung ương được giao nhiệm vụ cùng các ban, bộ, ngành, địa phương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII, còn gọi là Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng tôi thấy đây là một nghị quyết có tầm vóc lớn, được xây dựng công phu, nhiều nội dung sâu sắc. Tuy nhiên, Nghị quyết này ít nói đến vai trò quản lý của Nhà nước về văn hóa, do đó, điểm hạn chế của quá trình thực hiện Nghị quyết chính ở chỗ này. Rồi đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương IX (còn gọi là Nghị quyết 33-NQ/TW) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, những mặt hạn chế, yếu kém đều nằm ở khâu thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, nội dung nghị quyết, thiếu các chương trình, đề án và nguồn lực để thực hiện nghị quyết.
Từ gợi mở “kế sách” thông qua Hội thảo, theo ông, những mục tiêu trọng tâm nào cần được lưu ý?
Trong giai đoạn mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nghị quyết, quan điểm của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung. Xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; hoàn thiện thể chế văn hóa, văn nghệ thực hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước cũng như hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trong kinh tế.
Bên cạnh đó, việc phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài để họ trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam cũng quan trọng không kém. Cần chú trọng truyền bá văn hóa, ngôn ngữ, xây dựng một số trung tâm văn hóa, dịch thuật Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá văn hóa, nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, văn nghệ ra nước ngoài.
Trân trọng cảm ơn ông!