Thông tư hướng dẫn về việc thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hằng tháng, kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng; chế độ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và thủ tục chuyển mức và hệ số tương ứng.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo văn bản này, đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP gồm bốn nhóm.
Thứ nhất, đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội
Thứ ba, đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách
Thứ tư, sau ba tháng kể từ khi có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà đối tượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.
Quy định thôi hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trường hợp sau đây: Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người nhận chăm sóc nuôi dưỡng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật; Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định; Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Quy định tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng trong các trường hợp sau.
Cụ thể là: đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ ba tháng trở lên; đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng; đối tượng bị tạm giam từ một tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Thông tư cũng quy định chế độ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 19 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Theo đó, tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng là 60 nghìn đồng/người/ngày.
Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế
Đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tương ứng.
Văn bản này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1-7-2021.
Các thông tư liên tịch: số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24-10-2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính; số 06/2015/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12-5-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Hết năm 2020, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho gần 3.15 triệu người. Trong đó có khoảng:
+ Hơn 51 nghìn trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng
+ Hơn 1,8 triệu người cao tuổi
+ Gần 1,1 triệu người khuyết tật
+ Gần 190 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội khác
+ Tổng kinh phí hơn 18,050 nghìn tỷ đồng (gồm chi trợ cấp xã hội hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế)
(Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
* Từ 1-7: Mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng là 360.000 đồng