Hungary công bố kế hoạch giải quyết khủng hoảng năng lượng

Chính phủ Hungary sẽ tăng sản lượng khí đốt tự nhiên nội địa từ mức 1,5 tỷ m3 hiện nay lên mức 2 tỷ m3, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn khí đốt khác.
0:00 / 0:00
0:00
Một cơ sở lọc dầu gần thị trấn Szazhalombatta, cách thủ đô Budapest của Hungary 30km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở lọc dầu gần thị trấn Szazhalombatta, cách thủ đô Budapest của Hungary 30km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hungary ngày 13/7 đã tuyên bố "tình trạng nguy hiểm" vì khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời thông báo kế hoạch 7 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các, ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng tình hình rất khó khăn xảy ra khắp nơi ở châu Âu do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan.

Ông cũng công bố các biện pháp mà Chính phủ Hungary đã nhất trí nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng. Theo đó, chính phủ sẽ tăng sản lượng khí đốt tự nhiên nội địa từ mức 1,5 tỷ m3 hiện nay lên mức 2 tỷ m3, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn khí đốt khác.

Hungary cũng sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu các nguồn năng lượng như củi và thúc đẩy khai thác than nâu (than non) trong nước. Quốc gia Trung Âu này dự kiến sẽ tái khởi động một nhà máy điện tại Matra và mở rộng hoạt động tại nhà máy điện nguyên tử Paks gần Budapest.

Ngoài ra, những người sử dụng năng lượng nhiều hơn mức trung bình sẽ phải trả tiền theo mức giá thị trường thay vì mức giá được nhà nước trợ cấp. Theo ông Gulyas, điều này có thể ảnh hưởng đến 25% dân số Hungary.

Theo kế hoạch, các biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ tháng 8 tới.

Hiện tại 65% lượng dầu mỏ và 80% lượng khí đốt tiêu thụ tại Hungary là nhập khẩu từ Nga. Theo thỏa thuận kéo dài 15 năm với tập đoàn Gazprom của Nga được ký năm ngoái, mỗi năm Hungary nhận 3,5 tỷ m3 khí đốt qua Bulgaria, Serbia và một phần qua tuyến đường ống từ Áo.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đang đàm phán mua thêm khí đốt trước mùa Đông, trong đó ưu tiên hợp đồng dài hạn hiện có với Nga.

Cũng theo ông Szijjarto, các cơ sở lưu trữ có công suất 6,33 tỷ m3 đã được bơm đầy 44%, tương đương 25% lượng tiêu thụ hằng năm của nước này.

Trong khi đó, tại Moldova, Giám đốc điều hành công ty Moldovagaz, nhà điều phối khí đốt quốc gia của Moldova, ông Vadim Ceban ngày 13/7 xác nhận công ty này đã đề nghị cơ quan quản lý ngành năng lượng nhà nước tăng thuế khí đốt đối với người tiêu dùng khoảng 60% để Moldovagaz có thể thanh toán cho tập đoàn Gazprom của Nga.

Theo ông Ceban, giá khí đốt đối với hộ gia đình được đề nghị tăng từ mức 18,6 lei (3,8 USD)/m3 lên 29,48 lei/m3.