Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hưng Yên, kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hưng Yên trong ba năm qua luôn cải thiện theo hướng tích cực. Năm 2021, chỉ số này của tỉnh Hưng Yên xếp ở vị trí thứ 39 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2020; năm 2022 lên vị trí thứ 14, năm 2023 xếp thứ 12.
Nhiều chỉ số thành phần luôn đạt điểm cao và được đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp ghi nhận, như: Chỉ số thành phần gia nhập thị trường đạt 6,9 điểm; tiếp cận đất đai 6,92; chi phí thời gian 7,63; chi phí không chính thức 7,54; tính năng động của chính quyền 6,85; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 8,09…
Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng… Ðiều này đã góp phần tạo nên những chuyển biến rõ nét trong môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hưng Yên
Trên tinh thần đó, các sở, ban, ngành, địa phương ở tỉnh đẩy mạnh việc cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo hiểm, thuế, phòng cháy chữa cháy, hải quan, lao động, tiếp cận điện năng… Các cơ quan chức năng rà soát, đề xuất loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có; kịp thời cập nhật, công khai thủ tục hành chính dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân.
Tất cả các cơ quan, đơn vị tại Hưng Yên đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm giải quyết văn bản trên môi trường mạng; thực hiện gửi và nhận văn bản qua môi trường mạng (trừ văn bản mật); thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dùng qua mạng và hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan tăng cường phối hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn tồn đọng. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều cuộc gặp, đối thoại với các doanh nghiệp; ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cũng đã chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên ngành.
Hệ thống giao thông tại Hưng Yên được đầu tư đồng bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Ðồng bằng sông Hồng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho phát triển kinh tế-xã hội, như: Dự án đường bên của tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Cầu Giẽ-Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; dự án xây dựng đường Tân Phúc-Võng Phan; đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội… Nhiều công trình lưới điện 110 kV, 220 kV và lưới điện trung hạ thế đã triển khai đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được quan tâm, thực hiện hiệu quả.
Ðến nay, Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp diện tích hơn 4.395 ha; trong đó, 11 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích hơn 2.873 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 398 triệu USD. Tỉnh đã ra quyết định thành lập 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.256 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12.408 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức thực hiện, với hàng nghìn héc-ta được bàn giao cho các công trình, dự án, nhà đầu tư.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật được đẩy mạnh; chú trọng đến việc bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Các lĩnh vực về bổ trợ tư pháp, luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, giao dịch bảo đảm, hòa giải thương mại, thừa phát lại và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; trợ giúp pháp lý tiếp tục được quan tâm và thực hiện hiệu quả.
Ðến nay, Hưng Yên đã thu hút được hơn 2.240 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 330 nghìn tỷ đồng và hơn 7 tỷ USD; đóng góp quan trọng vào tăng thu ngân sách và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.