Đến hết năm 2021, cả nước có 34.871 tổ hợp tác nông nghiệp và 18.327 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm gần 70% tổng số hợp tác xã cả nước với khoảng 3,2 triệu thành viên. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng và hiệu hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp cũng đã được nâng lên. Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt tăng hơn 60%. hợp tác xã yếu kém hiện còn khoảng 8,5%.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, các hợp tác xã đã tích cực tham gia vào các chuỗi sản xuất, điều này đã giúp cho các sản phẩm nông nghiệp nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã được thị trường chấp nhận. Bên cạnh đó, thông qua các hợp tác xã đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, trở thành cầu nối giữa người nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều hợp tác xã xây dựng được vùng nguyên liệu, tìm kiếm và phát triển thị trường.
Trong thời điểm dịch Covid-19, các hợp tác xã cũng đã thích ứng nhanh, chính vì vậy trong 2 năm qua các hợp tác xã vẫn được thành lập, vẫn tăng trưởng trong sản xuất. Đặc biệt, hơn 2.000 hợp tác xã thành lập được doanh nghiệp trực thuộc để cung cấp đầu vào, đầu ra cho hợp tác xã và cho các thành viên tốt hơn. Có thể thấy rằng, hợp tác xã trở thành địa chỉ đầu tư hiệu quả trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Tại diễn đàn, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng chuyển đổi số sẽ là “đòn bẩy” quan trọng, giúp hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, giúp tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, cắt giảm chi phí.
Qua đó, giúp phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các hợp tác xã phải chủ động tiếp cận, tìm hiểu các giải pháp số giúp quản lý, vận hành được thuận lợi.
Hợp tác xã cần chú trọng vào công tác đào tạo con người, thu hút nguồn lực trẻ vào làm việc, tạo tiền đề cho việc tiếp cận và sử dụng giải pháp số hiệu quả hơn.
Hợp tác xã cần gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tận dụng nguồn lực tài chính, nhân sự để thúc đẩy chuyển đổi số. Thí dụ, mô hình liên kết giữa Tập đoàn Lộc Trời và Hợp tác xã nông nghiệp An Bình ở An Giang cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao ứng dụng và hỗ trợ hợp tác xã sử dụng trạm quan trắc trong sản xuất lúa, sử dụng máy bay không người lái để bón phân, phun thuốc, sử dụng phần mềm quản lý…
Còn theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan, hợp tác xã là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để cơ cấu lại nền nông nghiệp, quy mô sản xuất lớn hơn. Từ đó, hợp tác xã tạo ra giá trị cao hơn, đa dạng sản phẩm thay vì chỉ bán nông sản thô. Quy mô sản xuất đủ lớn, hợp tác xã mới xây dựng được thương hiệu cho từng vùng nguyên liệu, trở thành đối trọng trong liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp, giải được bài toán giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra. Nông dân được giảm chi phí nhờ mua chung nguyên liệu, vật tư sản xuất…
Đầu ra bảo đảm được chất lượng nông sản với quy trình sản xuất đồng bộ. Đó chính là sức cạnh tranh của nông sản. hợp tác xã phải xác định là một thành phần của kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập của nông dân. Thu nhập của nông dân không chỉ là nông sản mà họ sản xuất ra mà còn ở các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã như: phân loại, bảo quản, sơ chế, bao bì, đóng gói, thương mại điện tử. Chính giá trị kết tinh từ nhiều công đoạn của chuỗi ngành hàng cộng với địa danh, văn hóa, câu chuyện… sẽ hướng tới giá trị thành quả của nông dân, chứ không chỉ là giá cả của nông sản thô...