Hợp tác phát triển văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Lào

NDO - Du lịch không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu đi du lịch, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của nhân dân Việt Nam và Lào mà đã thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối hữu nghị, làm sâu sắc, bền chặt hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị hết sức đặc biệt giữa hai quốc gia mà hai Đảng, hai Nhà nước đã dày công vun đắp.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội đàm (Ảnh: Cục Du lịch quốc gia)
Toàn cảnh hội đàm (Ảnh: Cục Du lịch quốc gia)

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định như trên tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket sáng 14/12 tại Hà Nội.

Theo tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cuộc hội đàm trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa Lào tại Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam.

Tại cuộc Hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi đón tiếp đoàn đại biểu Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào trong dịp Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam năm 2023 tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Ninh Bình từ ngày 13-18/12/2023. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cuộc hội đàm nhằm giúp hai bên cùng nhìn lại kết quả hợp tác trong năm nay và xác định những công việc sẽ triển khai trong năm 2024.

Kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực hợp tác năm 2023 đã thể hiện sự sát sao, bám sát đường lối đối ngoại, cam kết, tuyên bố của lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước để triển khai thực hiện của hai Bộ. Việc hợp tác trong năm 2023 của Việt Nam và Lào đã có những thuận lợi khi trước đó vào năm 2022 là năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, nhiều hoạt động sôi nổi song phương và đa phương đã được tổ chức. Những thành tựu trong năm 2022 đã là tiền đề tốt để hai nước tiếp bước trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Có khá nhiều điểm nhấn trong quá trình hợp tác giữa hai Bộ những năm gần đây. Trong đó có điểm nhấn về sự lan tỏa sức mạnh mềm về văn hóa của mỗi quốc gia. Với cách tiếp cận nhân dân là chủ thể sáng tạo, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Đặc biệt, hầu hết các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam-Lào đều sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hóa như Tuần văn hóa, Ngày văn hóa giao lưu giữa hai nước. Từ đó gắn văn hóa với các hoạt động an sinh xã hội; thông qua văn hóa tác động tốt hơn tới đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân 2 nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo hai nước.

Hai bên cũng thực hiện cam kết duy trì việc tổ chức luân phiên Tuần Văn hóa tại mỗi nước. Lào đã hỗ trợ Việt Nam tổ chức rất thành công Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào. Ngoài việc duy trì hoạt động định kỳ tổ chức Tuần văn hóa, Ngày văn hóa để hiểu nhau hơn, làm sâu sắc hơn tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, hai Bộ đã nghiên cứu có chiều sâu để đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét Hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam No là Di sản thế giới liên quốc gia với Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) của Việt Nam.

Về lĩnh vực du lịch, hai Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa du khách Việt Nam đến Lào và đưa du khách Lào tới Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng thứ 2 trong các thị trường gửi khách đến Lào và Lào nằm trong nhóm các thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam.

Năm 2022 sau khi hai nước mở cửa trở lại hoạt động du lịch, việc trao đổi khách giữa hai bên đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 112.451 lượt khách Lào và trong 9 tháng đầu năm 2023, Lào đón 608.678 lượt khách Việt Nam. Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 trong các thị trường gửi khách đến Lào.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra một số đề xuất hợp tác trong thời gian tới. Với lĩnh vực văn hóa, hai Bộ sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch Hợp tác văn hóa, nghệ thuật và du lịch Việt Nam-Lào giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào giai đoạn 2021-2025. Đề xuất tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào vào Quý I/2024.

Tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học và giao lưu hữu nghị về quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Phối hợp với các địa phương có chung đường biên giới với Lào tổ chức nhiều hoạt động như Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt-Lào; tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số giữa hai nước giao lưu, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới.

Hợp tác phát triển văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Lào ảnh 1
Lãnh đạo hai Bộ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Cục Du lich quốc gia)

Về du lịch, hai bên cùng phối hợp, triển khai những biện pháp phục hồi du lịch, trong đó xem xét khả năng hợp tác trong việc áp dụng công nghệ số trong truyền thông quảng bá du lịch; xây dựng các chiến dịch quảng bá, kết nối các khu di sản thế giới của Việt Nam và Lào; tăng cường phát triển các sản phẩm kết nối tour, tuyến giữa các điểm đến của hai nước; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch qua lại giữa biên giới Việt Nam-Lào, đồng thời nghiên cứu mở rộng đường bay tới các điểm du lịch mới hấp dẫn của hai nước.

Cùng phối hợp, triển khai Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam 2020-2025 và định hướng đến 2030; triển khai dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2”; Việt Nam và Lào cùng phối hợp với Campuchia triển khai chương trình “Một hành trình, ba điểm đến”. Việt Nam tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024 được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), trong khoảng thời gian từ ngày 24-27/1/2024.

Đáp lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket cho biết, bà rất vui mừng khi nhận được sự đón tiếp thân mật, trọng thị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Năm 2022 là năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, hai nước cũng đã tổ chức hội đàm và cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động nhân các ngày lễ lớn và tổ chức Tuần văn hóa Lào tại Hà Nội.

Bà Suansavanh Viyaketh chia sẻ, CHDCND Lào nói chung và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào nói riêng luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và nỗ lực đưa mối quan hệ giữa hai Bộ ngày càng đơm hoa, kết trái, góp phần vào mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước và giáo dục thế hệ trẻ về mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc.

Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết, Đảng, Chính phủ Lào đã coi du lịch là mũi nhọn quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, tạo nguồn thu cho đất nước. Sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19, Chính phủ Lào đã chỉ đạo Bộ triển khai các chương trình, hoạt động du lịch và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn du khách.

Việt Nam luôn đứng thứ 2 trong các nước gửi khách đến Lào. Ngược lại du khách Lào cũng rất muốn thăm Việt Nam vì những điểm đến giàu truyền thống, đậm dấu ấn về văn hóa, lịch sử và đặc biệt đất nước Việt Nam có bãi biển đẹp, nhất là ở miền trung và miền nam.

Nhất trí với những đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về kết quả hợp tác trên lĩnh vực văn hóa và du lịch giữa hai Bộ, Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho rằng sự hợp tác giữa hai Bộ chính là thể hiện truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc anh em. Mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian qua cũng đã góp phần vun đắp, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Bà Suansavanh Viyaketh mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trên các lĩnh vực hợp tác, hữu nghị về văn hóa, du lịch giữa hai nước, tổ chức các hoạt động giao lưu, Tuần văn hóa giữa hai nước, đào tạo nhân lực cho hai lĩnh vực thuộc sự quản lý của Bộ; làm hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam No là Di sản thế giới liên quốc gia với Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) của Việt Nam…