Hợp tác phát triển sản phẩm quốc gia về lúa gạo

Cung ứng các giống lúa năng suất và chất lượng cho cơ cấu giống tại các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sản xuất lúa gạo.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình kiểm tra độ sinh trưởng của giống lúa mới TBR279.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình kiểm tra độ sinh trưởng của giống lúa mới TBR279.

Ðề án phát triển sản phẩm quốc gia đối với sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao đến nay đã chọn tạo được 18 giống lúa mới để bổ sung vào cơ cấu giống lúa, trong đó có tám giống được công nhận sản xuất chính thức (hiện nay gọi là công nhận lưu hành). Ðiểm nổi bật của quá trình thực hiện Ðề án là sự vào cuộc của doanh nghiệp để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, hình thành chuỗi giá trị cho sản phẩm lúa gạo. Ðể duy trì phát triển các sản phẩm quốc gia về lúa gạo, thời gian tới, cần có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong

Vào thời điểm này, các cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Apollo Việt Nam đang có mặt tại các địa phương như Thái Bình, Nam Ðịnh... để thu mua lúa giống, chế biến, đóng gói, cung cấp lúa giống ÐH12 cho vụ lúa xuân sắp tới. Giống lúa mới ÐH12 do Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) lai tạo, chọn lọc, là sản phẩm của Ðề án phát triển sản phẩm quốc gia lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất chính thức vào tháng 12-2019. Trong quá trình nghiên cứu, công ty đã phối hợp các nhà khoa học tiến hành khảo nghiệm sản xuất, hoàn thiện quy trình canh tác và hiện nay đã nhận chuyển nhượng bản quyền để sản xuất, kinh doanh. Dù có nhiều khó khăn trong việc phát triển giống lúa mới vào sản xuất, nhưng ông Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc Kinh doanh của công ty cho biết: Tại 20 địa phương công ty triển khai mô hình trình diễn, giới thiệu giống mới, người nông dân nhiệt tình đón nhận giống ÐH12 vì năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu ngoại cảnh tốt, nhất là vụ mùa năm nay, cây lúa không bị gãy đổ trước gió bão.

Do đó, diện tích trồng giống lúa ÐH12 ngày càng được mở rộng, các nơi trồng đều được công ty lương thực bao tiêu đầu ra. Công ty dự kiến mở rộng diện tích đạt từ 30 đến 40 nghìn héc-ta vào năm 2022, khảo nghiệm sản xuất thêm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long để bổ sung phạm vi lưu hành của giống lúa, đồng thời liên kết với công ty chế biến để lên kế hoạch xuất khẩu gạo. Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Apollo Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong bắt tay với các nhà khoa học, đầu tư nhiều tỷ đồng để đưa nhanh kết quả nghiên cứu về giống lúa mới của Ðề án phát triển sản phẩm quốc gia lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

PGS, TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Nông học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chủ nhiệm nhánh đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuộc Dự án sản phẩm quốc gia lúa gạo do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chủ trì, đồng thời là tác giả giống lúa ÐH12, cho biết, ở Việt Nam, giống lúa thuần năng suất, chất lượng được khuyến khích gieo trồng, nhưng bộ giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao hiện chưa đa dạng, tính thích ứng còn hẹp; công tác chọn tạo, phát triển giống lúa thuần mang tính nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Từ yêu cầu đó và với nguồn lực sẵn có của đơn vị, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã lai tạo và chọn lọc thành công giống lúa thuần chất lượng ÐH12 để người nông dân có thêm lựa chọn, có cơ hội nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất. Kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, chọn tạo giống của đơn vị cho thấy, nếu sản phẩm khoa học không có doanh nghiệp làm "bà đỡ" thì không thể phát triển được. ÐH12 bước đầu đã có thị trường là nhờ phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.

Cũng với hướng đi như thế, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp hai doanh nghiệp về sản xuất giống để khảo nghiệm, phát triển hai giống lúa mới (HD11 và GL97) thuộc sản phẩm quốc gia lúa gạo. TS Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Cây lương thực và Cây thực phẩm chia sẻ: Giống HD11 sử dụng phương pháp lai hữu tính, chọn lọc phả hệ, chuyển được gien thơm, chống chịu sâu bệnh, hạt gạo dài, cơm ngon, mùi thơm đặc trưng, có thể tham gia vào cơ cấu giống lúa của các tỉnh phía bắc. Hiện, giống lúa này đã được Công ty Ðầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội mua bản quyền sản xuất.

Giống GL97 không thơm, nhưng năng suất và chất lượng gạo cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn. Từ tháng 11-2019, Viện và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình (ThaiBinh Seed) ký biên bản hợp tác phát triển sản xuất giống GL97. Hiện, Công ty ThaiBinh Seed đang tiến hành khảo nghiệm, đánh giá mô hình tại một số tỉnh ở miền bắc và hoàn thiện việc đề nghị công nhận lưu hành giống mới để thúc đẩy nhanh công tác chuyển giao giống lúa phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Viện phối hợp Công ty ThaiBinh Seed cải tiến tính kháng bệnh đối với giống lúa chủ lực BC15. Theo đó, các nhà khoa học của Viện đã "cấy" thành công gien kháng đạo ôn vào giống lúa BC15 để khắc phục tình trạng bị nhiễm bệnh đạo ôn ở vụ xuân. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty ThaiBinh Seed vui mừng cho biết, từ vụ mùa năm nay, công ty bắt đầu cung ứng giống lúa BC15 kháng đạo ôn ra thị trường.

Ðây là giống có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản xuất các giống lúa ở Việt Nam, đạt được nhiều tiêu chí mà ít có giống lúa nào đạt được, như năng suất, chất lượng, thích ứng rộng. Nhờ "cấy" thành công gien kháng đạo ôn, giống lúa trở thành giống lý tưởng để phát triển sản xuất thời gian tới. Bên cạnh đó, công ty phối hợp các đơn vị nghiên cứu khác để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu về giống lúa trong Ðề án phát triển sản phẩm quốc gia lúa gạo.

Hiện, Ðề án đã chọn tạo được 18 giống lúa, ngoài tám giống lúa đã được công nhận chính thức/công nhận lưu hành thì các giống còn lại tiếp tục được đánh giá và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công bố lưu hành vào tháng 12-2020. Các sản phẩm về giống lúa bảo đảm sự ổn định, thích ứng rộng, phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu và bảo đảm vượt trội về năng suất, chất lượng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, sản phẩm quốc gia lúa gạo đã tạo được sự đột phá trong ngành nông nghiệp, một lần nữa chứng tỏ trình độ của các nhà khoa học Việt Nam không thua kém trình độ của các nhà khoa học trên thế giới về nghiên cứu, chọn, tạo giống lúa. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Ðề án đã khai thác được lợi thế, nguồn lực của các bên. Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ, còn doanh nghiệp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ để sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, sự kết hợp đó đem lại lợi ích cho xã hội nhanh chóng, chứ không rời rạc như một số chương trình khác.

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn đầu của việc thương mại hóa, và một số đề tài chưa hoàn thành, trong khi Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia kết thúc vào cuối năm nay, do đó, việc kéo dài thời gian thực hiện chương trình cùng với các chính sách tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển sản phẩm là rất cần thiết và cấp bách. Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, khi đã xác định lúa gạo là sản phẩm chủ lực thì cần phát triển ở trình độ cao hơn, và doanh nghiệp phải là lực lượng chủ lực. Doanh nghiệp có tiềm lực để khảo nghiệm ở quy mô lớn, đầu tư hệ thống nhà máy chế biến, tập huấn cho nông dân, sản xuất giống các cấp, từ siêu nguyên chủng, nguyên chủng, đến giống xác nhận. Cũng thông qua các khâu đó, cơ quan quản lý nông nghiệp ở địa phương và người nông dân được nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất.

Cùng quan điểm nêu trên, nhiều nhà khoa học đề xuất kéo dài thời gian của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vì trung bình kể từ khi giống mới được công nhận chính thức, phải mất khoảng từ sáu đến 10 năm sau đó mới hình thành vùng nguyên liệu, giống, công nghệ nhân giống mới ổn định; mặt khác cần có thời gian để sản phẩm lan tỏa đến người nông dân, để họ tiếp nhận và thay đổi. Các địa phương ứng dụng giống là sản phẩm quốc gia cần có chính sách ưu đãi như hỗ trợ giống, vật tư, được tập huấn kỹ thuật, có chương trình khuyến nông, chương trình nông thôn miền núi để làm nổi bật sản phẩm của chương trình quốc gia.

Từ thực tiễn sản xuất giống mới, ông Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Apollo Việt Nam cho biết, gạo của các giống mới thường bị doanh nghiệp lương thực ép giá dù có chất lượng nổi trội. Do đó, doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ đầu tư về vốn, mặt bằng để mở rộng sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giống và đầu tư nhà xưởng, dây chuyền chế biến gạo để chủ động tạo ra giá cho các sản phẩm mới, tránh bị ép giá, thiệt thòi cho người nông dân. Với các doanh nghiệp tiên phong sản xuất sản phẩm quốc gia cần có các hỗ trợ về vốn và truyền thông, quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, cần ưu tiên công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp tiếp cận, phát triển các sản phẩm quốc gia hoặc tính giảm % tổng doanh thu từ sản phẩm khoa học - công nghệ cho doanh nghiệp này khi đăng ký công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ như mục tiêu của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, sự vào cuộc của doanh nghiệp đã tạo được chuỗi giá trị cho sản phẩm lúa gạo. Các doanh nghiệp tham gia Ðề án đã có mức tăng trưởng trung bình năm đạt hơn 10%, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Có thể coi sự hợp tác của doanh nghiệp và nhà khoa học trong Ðề án là thí dụ tiêu biểu cho hình thức hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong khoa học và công nghệ đang được Chính phủ thúc đẩy. Ðể duy trì sự phát triển sản phẩm, rõ ràng Nhà nước cần xác định vai trò quyết định của doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản phẩm quốc gia trong thời gian tới.

HÀ LINH