Hợp tác phát triển nhân lực ngành công nghệ bán dẫn

Ðào tạo nguồn nhân lực được coi là một trong các trụ cột phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ðể sớm đạt mục tiêu có 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, nhiều chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị xúc tiến đầu tư… phải vào cuộc nhanh chóng và cần thúc đẩy kết nối ba "nhà": Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp.
Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại nhà máy của Công ty TNHH Hana Micron Vina (FDI Hàn Quốc), Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh TUẤN ANH)
Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại nhà máy của Công ty TNHH Hana Micron Vina (FDI Hàn Quốc), Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh TUẤN ANH)

Tập đoàn Viettel là một trong những doanh nghiệp trong nước đã tham gia thị trường ngành công nghiệp bán dẫn ở công đoạn thiết kế chip. Chia sẻ hành trình thiết kế chip, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng ban Công nghệ bán dẫn, Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel bắt đầu nghiên cứu thiết kế chip từ năm 2019, đến nay đã hoàn thành chế tạo chip tiền xử lý tín hiệu số (Digital Front-end) cho trạm thu phát sóng 5G; hoàn thành chế tạo chip thu phát cao tần (RFIC) cho 5G và các hệ thống thông tin vô tuyến khác... Ðây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực trong tương lai.

Mặc dù sử dụng công nghệ thiết kế mới nhất, làm chủ thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống, làm chủ IP lõi ở trong và làm chủ đo kiểm, nhưng nhân lực nghiên cứu lĩnh vực này của Tập đoàn Viettel chỉ là một nhóm nhỏ vài người. Ðể làm chủ được dòng chip phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G như vậy, Tập đoàn Viettel đã hợp tác với doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và với Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên khẳng định, hợp tác, tận dụng nguồn lực của các bên mới đem đến thành công. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu để mở rộng sản phẩm chip của mình.

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực. Nhiều ý kiến cho rằng, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì không chỉ trông chờ vào nội lực của các cơ sở đào tạo mà cần có sự chung tay của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT cho rằng, đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn có những thách thức đặc thù so với đào tạo các ngành khác như: Ðào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ cao cho nên cần số lượng lớn; thời gian đào tạo phải rất nhanh vì thời cơ chỉ trong vài năm; nhân lực không đơn thuần phục vụ cho thị trường ở Việt Nam mà phải đào tạo theo chuẩn quốc tế để có thể làm việc tại nước ngoài.

Trường đại học FPT dự kiến năm 2024 tuyển 1.000 sinh viên đào tạo trình độ đại học, 1.000 sinh viên hệ ngắn hạn, cao đẳng, như vậy năm 2025 sẽ có lứa học viên đào tạo ngắn hạn đầu tiên ra trường. Trường đại học FPT sẽ hỗ trợ học phí cho người học khi học ở Việt Nam và đề nghị đối tác nước ngoài hỗ trợ học phí trong quá trình đào tạo ở nước ngoài để tạo sức hấp dẫn so với ngành khác. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Trường Tùng đề nghị, để người học chọn ngành công nghệ vi mạch bán dẫn và chấp nhận bỏ ngành khác hấp dẫn không kém, bên cạnh chính sách ưu đãi của nhà trường thì Nhà nước cần có thông tin đầu ra rõ ràng, có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người học, doanh nghiệp có thể hỗ trợ đào tạo một phần.

Trước xu hướng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu muốn đầu tư vào ngành điện tử, chip, bán dẫn tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là một trong những địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư khi trong khu đã có hệ sinh thái gồm các trường đại học, viện nghiên cứu và có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, cùng với đó là các cơ chế ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính thuận lợi.

Ông Trần Ðắc Trung, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, một trong những thành công của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là đã có sự gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, với các đơn đặt hàng lẫn nhau. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong khu chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu khi các dự án lớn vào đầu tư. Trong đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bảo đảm việc quản lý và thúc đẩy, kết nối các "nhà" còn lại để tạo ra một mạng lưới đủ mạnh, tránh phát triển rời rạc, chồng chéo. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, môi trường thuận lợi, ông Trần Ðắc Trung kỳ vọng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là địa chỉ để các "đại bàng" công nghệ đến "xây tổ" thời gian tới.

Với định hướng cung cấp nhân lực ngành công nghệ bán dẫn cho thị trường trong nước và nước ngoài, việc hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo nhân lực được cho là rất quan trọng. Nhiều cơ sở đào tạo cho biết, thách thức hiện nay là chương trình đào tạo đại học còn thiếu, chưa đạt chuẩn quốc tế, cho nên việc hợp tác quốc tế cần được triển khai bài bản, hiệu quả, có trọng tâm. Ðối với việc đào tạo giảng viên, cần gửi giảng viên đi học tập và nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hội thảo khoa học và thực tế sản xuất.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đã có các hoạt động từng bước phát triển nguồn nhân lực bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ công cụ, phần mềm, kỹ thuật từ đối tác nước ngoài.

Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) hợp tác với doanh nghiệp trong nước, nước ngoài cấp các suất học bổng đào tạo; hợp tác với công ty của Mỹ cấp bản quyền miễn phí phần mềm thiết kế mạch điện tử và bán dẫn cho các cơ sở đào tạo; ký các thỏa thuận hợp tác với các trường đại học quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài trang bị kỹ thuật cho các trường đại học và tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên.

Trường đại học FPT cũng cho biết, trường đã cùng đối tác nước ngoài thiết kế, triển khai chương trình đào tạo ngắn hạn về vi mạch bán dẫn.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) được Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành bán dẫn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu vi mạch bán dẫn; hỗ trợ thành lập phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn…

Tiến sĩ Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, Dự thảo Ðề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì xây dựng trình Chính phủ xác định nguồn nhân lực là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp cũng được khẳng định trong dự thảo đề án này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề án cũng cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người học và định hướng hợp tác với đối tác nước ngoài trong quá trình đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn.