Qua lắng nghe các nội dung báo cáo của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tại Quốc hội, thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận với việc dự án Luật nhằm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Về định hướng nội dung xây dựng Luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin-cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai trên thực tế.
Chung quanh những nội dung lớn, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là nội dung được nhiều người quan tâm. Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) và một số đại biểu khác cho rằng, việc tích hợp Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng để xây dựng luật lần này giúp giải quyết nhiều bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay. Thực tế ở các nơi có nhiều quy hoạch, có những quy hoạch chồng lấn nhau.
Theo nhìn nhận, dự án luật lần này nêu các chính sách xác định hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch; các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch; quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn…
Những chính sách này kỳ vọng sẽ cơ bản tháo gỡ những vấn đề bất cập trong lĩnh vực quy hoạch, thúc đẩy sự gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.
Bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, bền vững cho các quy hoạch đô thị và nông thôn
Đóng góp ý kiến tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần quan tâm phát triển các quy hoạch đô thị nhỏ loại 4, loại 5 và các vùng ven đô. Yêu cầu đặt ra là không phá vỡ, hay tạo khoảng cách giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội: Một trong những nguyên lý là “làm gì cũng phải có quy hoạch, có chiến lược”, và quan trọng là cách thiết kế, tổ chức thực hiện các quy hoạch này như thế nào để tránh chồng chéo, thật sự tạo thuận lợi hơn trong quản lý và quá trình tổ chức thực hiện. Điều đó giúp tránh lãng phí kinh phí vào công tác quy hoạch, thủ tục trình các cấp, ngành; mất nhiều thời gian nhưng hiệu quả thấp.
Đề cập các yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và quy tắc phát triển bền vững. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng tăng, không vì đô thị hóa mà làm ảnh hưởng khu vực nông thôn nơi giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Điều 3, dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung việc đánh giá sự phù hợp về quy hoạch với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…; qua đó, bảo đảm thống nhất về điều kiện, nguyên tắc áp dụng các cấp độ quy hoạch khi cơ quan nhà nước thẩm định dự án đầu tư. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trong quy hoạch đô thị và nông thôn cần làm rõ quy hoạch nào có trước và có sau để thuận lợi cho việc áp dụng khi thực hiện triển khai các dự án đầu tư gắn với sử dụng đất.
Cho rằng dự thảo Luật đã cập nhật các xu hướng phát triển của đô thị mới; tuy nhiên, đại biểu Phan Văn Mãi (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, vẫn còn nhiều mô hình đô thị mới như khu đô thị công nghiệp dịch vụ, đô thị tri thức sáng tạo, đô thị đa trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị ga…; hay với quy hoạch nông thôn, hiện nay xuất hiện các xu hướng hình thành “làng trong phố”, đô thị xanh, đô thị sinh thái…
Chung quanh những nội dung khác về ứng dụng công nghệ trong xử lý các vấn đề về phát triển đô thị, nông thôn như xử lý rác, xử lý nước thải, xử lý tình trạng ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu…; bảo tồn các yếu tố thiên nhiên, sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững..., Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nhằm quy định đầy đủ, chi tiết, có tính toán đón bắt xu hướng phát triển đô thị mới trong tương lai.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu phản ánh thực trạng hiện nay, tại nhiều địa phương, các quy định về lĩnh vực quy hoạch còn “tản mát”, được đề cập trong nhiều luật, việc áp dụng và thi hành trong thực tế khó khăn. Vấn đề cốt lõi trong xây dựng dự thảo Luật này phải mạnh mẽ cắt giảm thủ tục hành chính, quyết liệt thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy con người và chất lượng cuộc sống người dân làm trung tâm, xây dựng văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển... Các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các điều ước quốc tế có liên quan quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, để khẳng định rõ các quy định trong luật góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)
Cần bổ sung quy định chặt chẽ trách nhiệm công bố công khai, minh bạch thông tin tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch...
Đại biểu Trần Thị Hồng An (Đoàn Quảng Ngãi)
Cần bảo đảm tính “động”, mở, định hướng của quy hoạch chung, thay vì “cứng nhắc”, bó hẹp không gian phát triển của đô thị và nông thôn; đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần bảo đảm tính cụ thể, hợp lý, khả thi, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
(Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh)