Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Giải đáp nhiều vấn đề xã hội quan tâm

Chiều 7/10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi liên quan các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh:VGP)
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh:VGP)

Đẩy mạnh việc thực hiện Luật Căn cước

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết kết quả bước đầu sau 3 tháng thực hiện Luật Căn cước. Kết quả thực hiện cấp thẻ Căn cước, Giấy chứng nhận căn cước theo quy định mới:

Để triển khai thực hiện Luật Căn cước, Bộ Công an đã tập trung triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch số 175 ngày 14/2/2024, trong đó tập trung các công tác trọng tâm:

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Giải đáp nhiều vấn đề xã hội quan tâm ảnh 1

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an tại buổi họp báo. (Ảnh: VGP)

Tham mưu ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Căn cước.

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Căn cước và sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Căn cước.

Đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chuẩn bị các điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử...

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm việc thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước, tài khoản định danh điện tử cho công dân; mở đợt cao điểm triển khai thực hiện Luật Căn cước; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới của Luật Căn cước... Kết quả: Từ ngày 1/7 đến 7/10, đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ Căn cước; trong đó, có hơn 3,17 triệu thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 4,03 triệu thẻ cho trẻ em từ đủ 6 đến 14 tuổi; hơn 2,38 triệu thẻ cho người từ đủ 14 tuổi. Toàn quốc đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói và thu nhận hơn 260 mẫu ADN.

Qua gần 3 tháng triển khai Luật Căn cước, lực lượng Công an đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và nhân dân; việc triển khai Luật Căn cước và công tác thu nhận hồ sơ, cấp Căn cước cơ bản thuận lợi, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng dự án Luật Dữ liệu. Đáng chú ý là quy định đề xuất lập sàn giao dịch dữ liệu. Đề nghị Bộ Công an cho biết những dữ liệu nào dự kiến được đưa lên sàn giao dịch?

Dự án Luật Dữ liệu là luật mới, được xây dựng nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu phù hợp với tiến trình hội nhập; phục vụ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Đối với quy định về thành lập Sàn giao dịch dữ liệu: hiện nay, trên thế giới rất nhiều sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu đang phát triển với xu hướng ngày càng mở rộng, gắn kết với mọi ngành nghề kinh tế, hoạt động xã hội như: Sàn giao dịch dữ liệu; dịch vụ trung gian dữ liệu; dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; xác thực điện tử đối với dữ liệu không gắn với chủ thể danh tính điện tử... Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động này để tạo cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy, phát triển các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, tạo lập thị trường dữ liệu. Do vậy, dự thảo Luật Dữ liệu bổ sung quy định về Sàn giao dịch dữ liệu để góp phần thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số... Do đây là những quy định mới, lần đầu tiên được quy định, cần cơ chế linh hoạt để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ngày 23/9 vừa qua, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất xây dựng dự thảo luật theo hướng không quy định cụ thể nội dung này trong luật, giao Chính phủ quy định lộ trình, giải pháp phát triển thị trường phù hợp với thực tiễn.

Ngăn ngừa việc “thổi giá” bất động sản

Về vấn đề nhà ở một số thành phố lớn đang tăng đột biến, giá ảo, cho dù thị trường giao dịch chưa thật sự sôi động, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn tới tăng giá bất động sản: trước hết là do lệch pha cung cầu, cung lớn hơn cầu nhiều quá; thứ hai là do tình trạng thổi giá, đẩy giá. Thí dụ như tình trạng ở một số địa phương đấu giá cao và bỏ cọc là một phần của tình trạng này; thứ ba là chi phí đầu tư bất động sản tăng cao, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và chi phí tiền sử dụng đất.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Giải đáp nhiều vấn đề xã hội quan tâm ảnh 2

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng tại buổi họp báo (Ảnh: VGP)

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, luật đã quy định rõ các quy định về thổi giá, thao túng thị trường tại nhiều luật. Bao gồm như Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai… có nhiều điều khoản cấm hành vi thao túng thị trường, thổi giá, đẩy giá; kiểm soát hành vi thổi giá và lũng đoạn. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 82 về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ ngành địa phương liên quan.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản về việc "phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở và ổn định thị trường bất động sản" gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, bộ cũng ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản gửi các địa phương. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp, cũng như kiến nghị các bộ ngành và địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp.

Đó là cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư và đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm.

Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất… nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Đặc biệt là cân bằng cung cầu tại một số thành phố lớn đặc biệt như tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản. Các chương trình, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản được phê duyệt. Các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật.

Bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.

Cùng đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý" nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua như Trung Quốc thực hiện. Thứ trưởng Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính: Nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Thúc đẩy triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2024-2025 sẽ hoàn tất chu trình sau 4 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018). Theo đó, năm học này, công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rơi vào khoảng giữa tháng 6 và tháng 7/2025. Vì thế, Bộ GD-ĐT đang hết sức khẩn trương xây dựng quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT.

Theo dự kiến, đến tháng 11/2024, Bộ sẽ ban hành Quy chế thi THPT và dự kiến ngày 15/10 tới, sẽ đăng lên Cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT về dự thảo Quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Giải đáp nhiều vấn đề xã hội quan tâm ảnh 3

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại họp báo. (Ảnh: VGP)

Nếu Quy chế được ban hành vào thời điểm này, sẽ sớm hơn những năm trước khoảng 3 tháng và sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động dạy và học. Riêng về thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Bộ GD-ĐT xác định 3 nguyên tắc, quan điểm cốt lõi: Thứ nhất là không gây áp lực, gây tốn kém cho phụ huynh học sinh, cho học sinh và xã hội, với tinh thần gọn nhẹ.

Nguyên tắc thứ hai là quy chế thi phải thúc đẩy được hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, để làm sao cho học sinh những bước cơ bản về phẩm chất và năng lực, để các em có đủ điều kiện có thể tiếp tục học lên cấp bậc cao hơn. Hoặc nếu các em chuyển đổi, phân luồng học nghề thì các em cũng có nền tảng về năng lực để có thể và thực hành nghề nghiệp. Những môn thi, phương thức thi phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên kiểm tra, đánh giá cuối kỳ. Theo đó, các em học sinh được bảo đảm phông nền, năng lực giữa các môn tự nhiên, môn khoa học xã hội và các môn công cụ phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay như ngoại ngữ, khoa học công nghệ, stem...

Nguyên tắc thứ 3 là bảo đảm quản lý Nhà nước ở cấp vĩ mô. Đó là Bộ GD-ĐT quy định khung để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá mặt bằng. Đồng thời, phải có sự phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, có trách nhiệm của các Sở GD-ĐT trong các nội dung có thẩm quyền.