Hơn 78,3 triệu ca hồi phục, dịch Covid-19 tại châu Á có dấu hiệu giảm

NDO -

Theo số liệu thống kê của Worldometers, tính đến 11 giờ ngày 8-2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 106.684.623 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.327.249 ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi bệnh là 78.383.960 người.

Tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu dịu lại kể từ làn sóng lây nhiễm thứ 3. Ảnh: Reuters
Tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu dịu lại kể từ làn sóng lây nhiễm thứ 3. Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 474.933 ca tử vong trong tổng số 27.611.403 ca nhiễm bệnh. Tiếp đến là Ấn Độ với 155.114 ca tử vong trong số 10.838.843 ca bệnh. Đứng thứ 3 là Brazil với 231.561 ca tử vong trong số 9.524.640 ca bệnh.

Tại châu Âu, Áo thông báo siết chặt kiểm soát biên giới với Đức và các nước láng giềng khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Theo Bộ Nội vụ Áo, bắt đầu từ ngày 8-2, việc đi lại qua biên giới nước này sẽ được giảm xuống mức tối thiểu. Bộ trưởng Nội vụ Karl Nehammer cũng đã trao đổi với người đồng cấp phía Đức Horst Seehofer về vấn đề này.

Ông Nehammer nêu rõ Áo sẽ siết chặt mạng lưới kiểm soát ở biên giới để giám sát việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống Covid-19 và sẽ chỉ có một số ít ngoại lệ cho người qua lại biên giới trong trường hợp thực sự cấp thiết. Bộ Nội vụ Áo khẳng định việc kiểm soát biên giới cũng được thực hiện với sự hợp tác của lực lượng cảnh sát các nước láng giềng. Trong 24 giờ qua, Áo đã ghi nhận thêm hơn 1.300 ca nhiễm mới và 22 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc Covid-19 từ đầu dịch đến nay tại nước này lên 420.600 ca và 7.900 ca tử vong.

Tại Đức, một ổ dịch đã bùng phát tại một viện dưỡng lão và hưu trí ở thị trấn Belm thuộc huyện Osnabrück, bang Niedersachsen khi phát hiện biến thể xuất hiện ở Anh của virus SARS-CoV-2 trong mẫu xét nghiệm của 14 người ở cơ sở này. Điểm đáng lưu ý là tất cả các bệnh nhân nêu trên đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) bào chế, với mũi thứ hai được tiêm vào ngày 25-1 vừa qua. Tuy nhiên, hiện thời điểm nhiễm bệnh chưa xác định được và các trường hợp dương tính nêu trên chỉ được phát hiện trong một đợt xét nghiệm nhanh hằng ngày hôm 2-2. Hiện toàn bộ cơ sở, nhân viên và người nhà những cư dân trong cơ sở này đã được cách ly theo dõi.      

Theo giới chức y tế huyện Osnabrück, 14 người nhiễm biến thể phát hiện ở Anh cho đến nay chỉ có những biểu hiện bệnh ở thể nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng, một phần có thể do tác động tích cực từ việc đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh cho thấy ngay cả những người được tiêm chủng cũng không miễn dịch được với Covid-19 và vẫn có thể lây lan cho người khác.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Hungary, Miklos Kasler cho biết Trung tâm dịch vụ y tế quốc gia Hungary đã phê duyệt vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga để sử dụng ở quốc gia châu Âu này.

Trên mạng xã hội Facebook, ông Kasler nêu rõ: “Trung tâm dịch vụ y tế quốc gia đã hoàn thành các nghiên cứu chính thức cần thiết về vaccine Sputnik V, xác định rằng vaccine này đáp ứng các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm và phù hợp để sử dụng cho người”. Ngoài Sputnik V, ba loại vaccine ngừa Covid-19 khác đã được phê duyệt để sử dụng ở Hungary là vaccine do Pfizer/BioNTech, Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh) phát triển.

Trong khi đó Israel đã chính thức được nới lỏng lệnh phong tỏa đối với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội sau một tháng hạn chế nghiêm ngặt. Theo đó, người dân không còn bị giới hạn ra khỏi nhà trong vòng bán kính 1.000 mét; công viên quốc gia, điểm du lịch được mở cửa trở lại cho du khách; các quán ăn, cửa hàng dịch vụ… được phép hoạt động phục vụ khách hàng, miễn là không tiếp xúc đông người. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì lệnh cấm đối với các trường học cũng như hạn chế tối đa các chuyến bay cất và hạ cánh tại sân bay quốc tế Ben Gurion.

Israel bắt đầu thực hiện đợt giãn cách xã hội toàn quốc kể từ cuối tháng 12-2020. Đây là lần phong tỏa thứ ba kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này với các biện pháp bổ sung nhằm siết chặt phong tỏa. Tính đến nay, tại Israel đã có hơn 686.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5.000 ca tử vong.

Tại Kuwait, trong nỗ lực ngăn chặn số ca lây nhiễm, nước này thông báo công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào nước này từ ngày 7-2, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Theo danh sách được Bộ Y tế Kuwait cấp phép, các trường hợp ngoại lệ được phép nhập cảnh vào nước này bao gồm các phái bộ ngoại giao và nhân viên ngoại giao, nhân viên y tế chính phủ và nhân viên y tế tư nhân.     

Trong khi đó, Iran thông báo chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 sẽ bắt đầu từ ngày 9-2. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế và Đào tạo Y khoa Saeed Namaki, chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là các bác sĩ và y tá tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 tại các đơn vị chăm sóc tích cực.

Tại châu Á, ngày 8-2, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết trong ngày 7-2 Trung Quốc đại lục ghi nhận 14 ca mắc Covid-19 mới, tất cả đều là các trường hợp nhập cảnh. Đây là lần đầu tiên trong gần hai tháng qua, Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, dấu hiệu cho thấy nước này đang dần ngăn chặn được làn sóng dịch bệnh mới nhất khi xuất hiện các ổ dịch lớn ở tỉnh Hà Bắc (Hebei) giáp thủ đô Bắc Kinh (Beijing), và các tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang), Cát Lâm (Jilin) ở miền Đông Bắc.

Cũng trong ngày 8-2, tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 289 ca nhiễm mới, trong đó 264 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 81.185 ca. Đây là mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ cuối tháng 11-2020, thời điểm làn sóng dịch bệnh thứ 3 bắt đầu bùng phát ở nước này.

Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu giảm dần, giới chức Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng quy định giãn cách xã hội ở các khu vực ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Tuy nhiên giới chức y tế Hàn Quốc vẫn được đặt trong trạng thái cảnh giác cao trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra từ ngày 11 đến 13-2 tới, thời điểm hàng triệu người dân nước này thường đi thăm người thân và họ hàng. Do đó, những quy định về giãn cách xã hội khác như lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên vẫn được duy trì. Hiện thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang áp đặt biện pháp phòng dịch ở cấp độ 2,5, mức cao thứ 2 trong thang gồm 5 cấp, trong khi những khu vực còn lại áp dụng cấp độ 2.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn ở một số khu vực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có dấu hiệu lắng dịu ở nước này. Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) Norihisa Tamura cho biết số ca nhiễm mới đang giảm từ mức đỉnh. Nếu tình trạng khẩn cấp tiếp tục được áp dụng trong thời gian quá dài sẽ gây ra các vấn đề xã hội và kinh tế, tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi cân nhắc nhiều yếu tố. 

5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 27.611.403 ca mắc, 474.933 ca tử vong

2. Ấn Độ: 10.838.843 ca mắc, 155.114 ca tử vong

3. Brazil: 9.524.640 ca mắc, 231.561 ca tử vong

4. Nga: 3.967.281 ca mắc, 76.661 ca tử vong

5. Anh: 3.945.680 ca mắc, 112.465 ca tử vong

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba