Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với gần 18,27 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 325 nghìn ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 10,05 triệu ca nhiễm, gần 146 nghìn ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với gần 7,24 triệu ca nhiễm, gần 187 nghìn ca tử vong.
Tại châu Âu, sau khi Anh phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc, nhiều nước đã quyết định tạm ngừng hoặc hạn chế hoạt động đi lại với Anh, trong đó có Pháp, Bulgaria, Thụy Điển, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước ở châu Á gồm Iran, Kuwait, Saudi Arabia và Israel cũng ra quyết định tương tự.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà khoa học đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, nhưng không dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và vaccine vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới. Do sự gia tăng các ca mắc Covid-19 liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Johnson đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại vùng England và hủy các kế hoạch nới lỏng hạn chế vào dịp Giáng sinh.
Ngày 20-12, Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ chủ trì một cuộc họp ứng phó khẩn cấp trong ngày 21-12 để thảo luận về việc đi lại quốc tế và vận chuyển hàng hóa qua Anh.
Đáng chú ý, không chỉ Anh ghi nhận biến thể virus mới, Đan Mạch cũng ghi nhận chín ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Hà Lan và Australia cũng đều ghi nhận một ca nhiễm biến thể này. Liên quan tới biến thể virus mới tại Anh, giới chức y tế Đức cho biết các loại vaccine hiện có cũng có hiệu quả phòng ngừa.
Trước tình hình trên, các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết đang xem xét “rất thận trọng” biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lây lan tại Anh.
Theo hãng tin CNN, cố vấn khoa học trong Chiến dịch Thần tốc, Tiến sĩ Moncef Slaoui cho biết các quan chức Mỹ “vẫn chưa biết biến thể trên đã có tại Mỹ hay không”. Theo ông Moncef Slaoui, cho đến nay, dường như chưa có biến thể nào của virus SARS-CoV-2 kháng lại được các loại vaccine hiện có. Ông cũng lưu ý rằng loại biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh rất khó có thể kháng lại khả năng miễn dịch của vaccine.
Hãng tin ABC News dẫn lời Đô đốc Brett Giroir - Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ cho rằng, Mỹ chưa cần phải áp dụng biện pháp tạm dừng các chuyến bay từ Anh như một số nước châu Âu đang xem xét.
Trong khi đó, mặc dù Chính phủ Hà Lan đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới từ ngày 14-12 vừa qua, trong đó có cả biện pháp đóng cửa trường học và các cửa hàng, nhưng số ca nhiễm mới vẫn không ngừng tăng. Cụ thể nước này đã ghi nhận thêm 13.032 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 689.705 ca. Trong 24 giờ qua, Hà Lan cũng ghi nhận thêm 32 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 10.491 ca.
Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước ở châu Âu tăng cường các biện pháp đối phó với đại dịch.
Tại châu Á, Iran - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại Trung Đông, đã ghi nhận thêm 6.312 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này tăng lên 1.158.384 ca. Đây là mức tăng thấp nhất theo ngày kể từ ngày 26-10.
Theo Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm 50% mỗi ngày kể từ khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp đặt vào ngày 21-11. Tuy nhiên, giới chức Iran cảnh báo xu hướng giảm có thể bị đảo ngược một cách dễ dàng, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc quá nhiều trong dịp lễ Yalda.
5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới, tính đến 9 giờ ngày 21-12:
1. Mỹ: 18.267.579 ca mắc, 324.869 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.056.248 ca mắc, 145.843 ca tử vong
3. Brazil: 7.238.600 ca mắc, 186.773 ca tử vong
4. Nga: 2.848.377 ca mắc, 50.858 ca tử vong
5. Pháp: 2.473.354 ca mắc, 60.549 ca tử vong