Cuộc bầu cử Hội đồng Shura (Quốc hội), cơ quan có quyền lập pháp và phê chuẩn các chính sách chung của đất nước và ngân sách quốc gia, trước đó đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào năm 2003.
Kết quả sơ bộ cho thấy, các cử tri đã bỏ phiếu bầu ra 2/3 thành viên (tức 30 ghế) trong Hội đồng Shura (gồm 45 ghế) trên tổng số 233 ứng cử viên (gồm 26 ứng viên nữ) ở 30 quận trong cả nước. 15 ghế còn lại sẽ do Quốc vương Qatar bổ nhiệm.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tháng trước mô tả cuộc bỏ phiếu là một "kinh nghiệm" mới, đồng thời cho biết Hội đồng Shura chưa thể "đóng vai trò đầy đủ" của một cơ quan lập pháp ngay từ năm đầu tiên sau bầu cử.
Dù được trao quyền lập pháp, Hội đồng Shura không được tham gia hoạch định các chính sách quốc phòng, an ninh, kinh tế và đầu tư. Ngoài ra, Qatar hiện cấm các đảng phái chính trị nhưng đã chấp nhận bầu cử địa phương.
Trước Qatar, Kuwait là quốc gia theo chế độ quân chủ duy nhất ở vùng Vịnh trao quyền lực đáng kể cho quốc hội được cử tri bầu ra, dù việc hoạch định các chính sách cuối cùng vẫn thuộc về Quốc vương như ở các nước láng giềng.
Dân số Qatar chủ yếu là người nước ngoài, trong khi công dân quốc tịch Qatar chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số 2,8 triệu người. Luật bầu cử nước này quy định, chỉ người Qatar có gia đình đã sinh sống ở quốc gia sản xuất khí đốt giàu có này từ năm 1930 mới được quyền tham gia bầu cử và ứng cử.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar cũng cho biết, có một "quy trình rõ ràng" để Hội đồng Shura xem xét lại luật bầu cử trong nhiệm kỳ mới.