Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 6/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 4.259.586 ca mắc mới Covid-19 trong tuần qua, giảm 8% so với 7 ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong là 64.661 ca, cũng giảm 8%.
Xét theo khu vực, châu Âu ghi nhận số ca mắc mới giảm 4%, tuy nhiên số ca tử vong lại tăng 4%. Các khu vực còn lại đều ghi nhận số ca mắc mới và tử vong giảm, trong đó mức giảm mạnh nhất là ở châu Phi với lần lượt 22% và 15%, Nam Mỹ lần lượt giảm 15% và 9%, châu Á giảm lần lượt 6% và 13%.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại, chủ yếu là do biến thể Delta lây lan nhanh trong khi các biện pháp hạn chế cũng được nới lỏng và gia tăng đi lại trong dịp nghỉ hè.
Theo worldometers.info, các quốc gia ghi nhận số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh nhất tại châu Âu trong 7 ngày qua là Latvia, tăng lần lượt 78% và 120%; Romania 62% và 61%; Ukraine 59% và 10%; Serbia 42% và 98%; Ba Lan 41% và 63%. Tính đến nay, châu Âu đã ghi nhận gần 56 triệu ca mắc Covid-19 và khoảng hơn 1,1 triệu ca tử vong có liên quan.
WHO cảnh báo, đến đầu tháng 12, châu Âu có thể ghi nhận thêm 236 nghìn ca tử vong vì Covid-19 do tốc độ tiêm chủng chậm lại trong khi biến thể Delta tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế các nước.
Khoảng 50% dân số (70% người trưởng thành) châu Âu đã tiêm phòng đầy đủ nhưng trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm giảm 14% do thiếu nguồn vaccine ở một số nước và một bộ phận người dân không chịu tiêm. Chỉ có 6% người dân các nước thu nhập thấp và trung bình thấp tại châu Âu được tiêm đủ liều vaccine trong khi một số nước chỉ tiêm được cho 1/10 nhân viên y tế.
Tại Mỹ, dù số ca mắc mới trong tuần qua giảm 7% nhưng nước này vẫn dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới, với hơn 1 triệu ca được ghi nhận trong 7 ngày gần nhất. Trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan đáng báo động, nhu cầu vaccine tại Mỹ đã bắt đầu thay đổi, với số lượng vaccine được tiêm mỗi ngày đã tăng 80% trong tháng qua lên mức trung bình 900 nghìn liều/ngày.
Ở châu Á, sau vài tháng cải thiện, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ lại xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại. Dù số ca tử vong trong tuần qua giảm mạnh (22%), Ấn Độ ghi nhận mức tăng 8% cho số ca mắc mới, với 293.427 ca được báo cao trong 7 ngày qua. Ngày 2/9, nước này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong vòng 2 tháng (hơn 47 nghìn ca), tình trạng đặc biệt đáng lo khi đã vào mùa tựu trường và mùa lễ hội.
Ở Đông Nam Á, Indonesia, ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực đang cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc mới và tử vong giảm mạnh, lần lượt 42% và 32% so với 7 ngày trước đó. Tỷ lệ tiêm chủng tại Indonesia cũng tăng mạnh, với hơn 100 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm, đứng thứ bảy thế giới.
Giới khoa học cảnh báo số ca lây nhiễm có thể tăng trong thời gian tới do tại nhiều nước đã bắt đầu năm học mới, trong khi trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vì chưa được tiêm chủng. Đơn cử như tại Indonesia, mặc dù số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng giảm xuống, nhưng số ca mắc và tử vong ở trẻ em lại tăng. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em nước này vẫn tiếp tục tăng cao nhất thế giới, ở mức 2% vào tháng 8, gấp nhiều lần so với tỷ lệ trung bình 0,3% của toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi các nước tăng cường tiêm chủng cho giáo viên và các nhân viên trường học cũng như trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Các cơ quan Liên hợp quốc cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường trường học để phòng ngừa Covid-19 cũng như nâng cao hiệu quả của hình thức học trực tuyến nhằm bảo đảm không làm gián đoạn giáo dục trong bối cảnh đại dịch.