Cụ thể, theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (sau đây gọi tắt là Quyết định số 08/2022), có nhóm lao động đang làm việc trong doanh nghiệp với mức hỗ trợ là 500 nghìn đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là tối đa 3 tháng. Với nhóm đối tượng này, tính tới ngày 31/5/2022, ngành bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 9.657 đơn vị với 397.588 lao động tại 50 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 393.759 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Với nhóm người lao động quay trở lại thị trường lao động, có mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 1.272 đơn vị với 9.603 lao động tại 32 tỉnh, thành phố có phát sinh hồ sơ. Trong đó, có 8.841 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo. Từ đó, ngành nhằm tập trung nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nỗ lực tiếp nhận và xác nhận sớm nhất việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động thuộc diện được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà. Công tác triển khai chính sách bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.
Quá trình triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022 có nhiều bộ, ngành cùng tham gia. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động để xác minh đối tượng thụ hưởng.
Cụ thể, trên cơ sở danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà do người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận các trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà để xác minh đối tượng được hỗ trợ.
Bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động, tích cực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ.
Những kết quả đó đã góp phần khẳng định sâu sắc hơn vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, thể hiện sự chung sức, đồng lòng cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất và ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.