Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình cho biết: Đây là con số thống kê của các cơ sở giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố gửi lên để tổng hợp.
Sở đã chốt số lượng cuối cùng (15.168 học sinh không có thiết bị học trực tuyến) báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét. Sau đây, nếu có hỗ trợ thiết bị, máy móc, Sở sẽ thẩm định, xác minh cụ thể các trường hợp bảo đảm chính xác, đúng đối tượng.
Hiện nay nhu cầu hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh các cấp học trên địa bàn là rất lớn. Việc không có thiết bị học tập ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục, nhất là trong thời điểm dịch bùng phát khó lường như hiện nay.
Hạ tầng viễn thông ở địa phương hiện rất tốt. Hầu hết các khu vực nhà trường đều có internet hoặc được phủ sóng 3G, 4G. Nền tảng ứng dụng đang được sử dụng để dạy học trực tuyến khá phong phú, gồm: Zoom, Google Meet, Zalo, OLM, Zavi…
Huyện Quỳnh Phụ là địa phương có số học sinh không có thiết bị học trực tuyến lớn nhất tỉnh với 3.071 em. Qua tìm hiểu của phóng viên, các trường trên địa bàn này khá chật vật trong triển khai học trực tuyến bởi thiếu thiết bị.
Như tại Trường tiểu học và THCS An Vũ, xã An Vũ (huyện Quỳnh Phụ), có tới 246 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Thời gian qua, lãnh đạo nhà trường buộc phải học ghép nhóm hoặc giáo viên xuống tận nhà dạy trực tiếp rất vất vả.