Hơn 150 nhà thầu xin tham gia ba dự án đầu tư công cao tốc bắc - nam

NDO -

Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm ba dự án đường cao tốc bắc - nam chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư) sang vốn đầu tư công, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đến nay đã có hàng trăm nhà thầu mua hồ sơ mời thầu.

Hơn 150 nhà thầu xin tham gia ba dự án đầu tư công cao tốc bắc - nam

Gia hạn đóng thầu thêm 10 ngày đối với ba gói thầu

Trước đó, các đoạn tuyến cao tốc bắc - nam giai đoạn 2017-2020 được đầu tư công theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 của Quốc hội gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đến nay đã triển khai thi công xây dựng toàn bộ các gói thầu thuộc các dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), kể từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, từ ngày 6-8 đến 4-9, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (với năm gói thầu xây lắp), đã có 60 đơn vị mua hồ sơ mời thầu với tổng số 140 bộ. Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (bốn gói thầu xây lắp), có 61 nhà thầu mua 140 bộ hồ sơ. Dự án Phan Thiết - Dầu Giây (bốn gói thầu xây lắp), có 32 đơn vị mua 74 bộ. Trong đó, 10/13 gói thầu có từ ba hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu. 3/13 gói thầu có ít hơn ba hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu.

Để bảo đảm minh bạch và tăng thêm số lượng nhà thầu tham gia dự thầu, Bộ GTVT - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại ba dự án cao tốc bắc-nam bằng nguồn vốn đầu tư công - đã có văn bản chỉ đạo các Ban Quản lý dự án (PMU - bên mời thầu) hoàn thiện các thủ tục theo quy định, gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 10 ngày đối với 3/13 gói thầu có ít hơn ba hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu (đóng thầu, mở thầu vào 14 giờ ngày 14-9).

Nhấn mạnh công tác lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc lựa chọn được các nhà thầu thật sự đáp ứng được năng lực, có kinh nghiệm chính là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và tiến độ thi công; quán triệt, yêu cầu các PMU thực hiện nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu.

“Các PMU tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để giải đáp các câu hỏi của nhà thầu (đã tổ chức vào ngày 14-8 vừa qua); đáp ứng đầy đủ hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu có nhu cầu mua hồ sơ mời thầu, thành lập và ban hành quy chế làm việc. Tổ chuyên gia đấu thầu phải đáp ứng nhân sự, trình độ, chuyên môn, bảo mật thông tin; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, giám sát chặt chẽ công tác quản lý hồ sơ như lắp đặt camera, khóa niêm phong hồ sơ”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo.

Ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng

Song song với đó, Bộ GTVT đã chủ động có văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tham gia phối hợp từ đầu nhằm giám sát, kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng trong hoạt động xây dựng cơ bản (nếu có).

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc PMU Thăng Long (đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án), Ban sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo Tổ chuyên gia đấu thầu tổ chức đánh giá các hồ sơ dự thầu bảo đảm công bằng, minh bạch, chính xác và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu; phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan căn cứ chức năng trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh (nếu có), tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

“Trước mắt, trong khâu chấm thầu, PMU Thăng Long sẽ đánh giá sơ bộ để chọn ra những gói thầu ít vướng mắc nhất, cố gắng đối với mỗi dự án chọn ra được một gói thầu để có thể lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và của hồ sơ mời thầu, đáp ứng thời gian yêu cầu để quyết tâm khởi công xây dựng tối thiểu một gói thầu/dự án vào cuối tháng 9 tới, các gói thầu còn lại trong tháng 10-2020”, ông Roãn cho hay.

Để bảo đảm điều kiện cần thiết để triển khai thi công các dự án hiệu quả, minh bạch, đúng tiến độ, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cũng khẳng định: “Bộ GTVT luôn phối hợp chặt chẽ các địa phương có dự án đi qua để thúc đẩy quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng, công địa sạch cho các nhà thầu thi công, tránh tình trạng “xôi đỗ” gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả”.

Ông Nhật cho biết, Bộ trưởng GTVT đã phân công cụ thể đối với các Thứ trưởng phụ trách phải có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, điều hành trong quá trình triển khai dự án bảo đảm an toàn, hiệu quả, đáp ứng chất lượng, tiến độ và giải ngân theo đúng kế hoạch và sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng yêu cầu và mục tiêu đề ra.

“Giám đốc PMU phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước Bộ và lãnh đạo Bộ về tiến độ, chất lượng của dự án. Các cơ quan đơn vị liên quan của Bộ phải tăng cường nhân lực, chủ động giám sát, phối hợp và hỗ trợ các PMU để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin thêm.