“Hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - khó cập bến sớm

Iran tỏ ra chưa hài lòng với Mỹ về một số vấn đề cốt lõi chưa được dàn xếp ổn thỏa giữa Tehran và Washington trong các cuộc đàm phán nhằm “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Cách tiếp cận chưa thật sự cởi mở và cầu thị của các bên tham gia đàm phán khiến con tàu hòa bình Trung Đông chưa thể “xuôi chèo, mát mái” để cập bến sớm. 

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian vừa công khai phàn nàn rằng, Iran và Mỹ vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong hai vấn đề then chốt, gồm việc bảo đảm cho Iran khôi phục kinh tế và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Washington áp đặt chống Tehran. 

Bộ trưởng Abdollahian cho rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đi ngược lại quyền con người và các chuẩn mực quốc tế, đẩy người dân Iran vào cuộc sống khó khăn và thiếu thốn. Ông Abdollahian nhấn mạnh, Tehran sẽ tiếp tục nỗ lực gỡ bỏ các lệnh trừng phạt thông qua các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna, Áo.

Ngược lại với Iran, Mỹ lại có thái độ khá tích cực với tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân của Tehran. Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Abdollahian, Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra lạc quan cho rằng, Washington và Tehran đã gần đạt được nhất trí khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Washington và Tehran đã tiến gần một thỏa thuận tiềm năng, đồng thời tin tưởng các bất đồng còn tồn tại giữa hai phía sẽ được sớm giải quyết, cho dù cuộc đàm phán khôi phục JCPOA kéo dài gần một năm qua đang ở giai đoạn rất nhạy cảm và mong manh. Tuy nhiên, ông Price cáo buộc Iran vẫn chưa chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh khó khăn nêu trên, Iran bày tỏ mong muốn sẽ tham gia đàm phán đến cùng nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Thư ký Hội đồng An ninh tối cao quốc gia Iran Ali Shamkhani nêu rõ, Tehran sẽ vẫn tham gia tiến trình đàm phán hạt nhân tại Vienna cho tới khi đạt được một “thỏa thuận mạnh mẽ”. 

Theo ông Shamkhani, việc Mỹ chưa đưa ra quyết định rõ ràng về hướng đi cho các cuộc đàm phán tại Vienna đã cản trở nỗ lực tiến tới một thỏa thuận phù hợp cho cả hai phía. Cách tiếp cận chưa cởi mở của Washington đối với các nguyên tắc “bất di, bất dịch” của Iran, cùng những đề xuất vô lý và sức ép một chiều của Mỹ khiến hai bên chưa thể “đồng thanh tương ứng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh (X.Kha-típ-da-đê) hối thúc Mỹ đưa ra quyết định rõ ràng và dứt khoát để khôi phục JCPOA. 

Ông Khatibzadeh nhấn mạnh, ngay sau khi Iran nhận được phản hồi của Mỹ, các nhà đàm phán Tehran sẽ trở lại Vienna và nỗ lực tiến tới thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell (G.Bo-ren) giải thích, việc tạm dừng các cuộc đàm phán về thỏa thuận JCPOA là cần thiết do những yếu tố tác động bên ngoài. Theo ông Borrell, dự thảo văn kiện thỏa thuận về cơ bản đã được chuẩn bị sẵn sàng. 

Trước những động thái trái ngược của các bên liên quan, Nga đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, các cuộc đàm phán tại Vienna bị tạm dừng sau khi Moskva yêu cầu được bảo đảm các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine không gây tổn hại quan hệ thương mại giữa Nga và Iran. 

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố rằng, các cuộc đàm phán về khôi phục JCPOA vẫn đang diễn ra bình thường và việc tạm dừng đàm phán đã được thông báo trước để các phái đoàn về nước báo cáo và tham vấn lãnh đạo cấp cao. Bộ Ngoại giao Nga tin tưởng, việc nối lại thỏa thuận JCPOA một cách đầy đủ và hiệu quả sẽ sớm đạt được nếu các bên liên quan tôn trọng lợi ích của nhau.

Theo JCPOA, Iran cam kết hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt với Tehran. Tuy nhiên năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran đã giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận JCPOA.

Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, thu hút sự quan tâm và thời gian của nhiều quốc gia, nhất là các nước trong Nhóm P5+1, các bên tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran còn “vênh nhau” trong các quyền và lợi ích cá nhân, thì việc tiến tới khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tehran vẫn còn khá xa vời.