Khi những cánh rừng ngập mặn “vắng dần”
Một chiều nắng oi ả bên phá Tam Giang, tôi cùng ông Nguyễn Ngân, 70 tuổi, ở thôn Lâm Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền (thành phố Huế) trò chuyện về những đổi thay của vùng đầm phá nước lợ độc nhất vô nhị mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất này. Khoát tay chỉ về những ao tôm trải dài tít tắp dọc theo vùng phá Tam Giang, ông Ngân hồi tưởng lại.
Ngày trước, dọc vùng phá Tam Giang này có những bãi triều rộng đến vài trăm héc-ta với thảm thực vật ngập mặn rất phát triển. Như một nhà thực vật học thực thụ, ông Ngân kể rằng, nhiều loại cây bản địa như chá, đước vòi… hình thành nên những vùng rừng bán ngập nước ngút ngàn. Thế mà thời gian qua, chính những tác động thiếu tính quy hoạch trong phát triển nuôi trồng thủy sản, cộng với thời tiết biến đổi, thiên tai, lũ lụt thường xuyên đã làm nhiều diện tích rừng ngập mặn biến mất dần.
“Người thì ngày càng đông, đất đai lại không sinh thêm nên những vùng đất ngập mặn vốn trước đây là những cánh rừng ngập mặn phải nhường chỗ để nuôi trồng thủy sản là điều không khó hiểu”, ông Ngân khẳng định. Mà cũng đúng thôi, trong suy nghĩ của phần lớn mọi người “tấc đất, tấc vàng” thì đối với người dân vùng đầm phá Tam Giang, “tấc đất là kim cương”, như cách ví von khá hóm hỉnh của lão ngư 70 tuổi này. “Đất ít, người đông, trống chỗ nào dân họ khoanh lại để nuôi tôm ngay lập tức thì làm gì còn chỗ cho rừng ngập mặn nữa. Cũng vì miếng cơm manh áo, rừng cũng phải nhường chỗ mà thôi”, ông Ngân nói.
Theo lời kể của ông Ngân, tôi đi dọc các xã ven đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền như: Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi… Điều dễ nhận thấy nhất là phần lớn các vùng đất bán ngập nước ở ven phá Tam Giang nay đều đã được người dân địa phương chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Thậm chí, khi diện tích trên bờ đã hết, người dân còn sử dụng các phương tiện nò, sáo để lấn dần ra phá làm chỗ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Người dân địa phương cho biết, có một thời gian dài, tại các vùng ven đầm phá Tam Giang, phong trào nuôi tôm nở rộ và lan nhanh chóng mặt với khẩu hiệu “nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm”. Diện tích các bãi triều vốn có hệ thực vật ngập mặn phong phú, cũng là nơi trú ẩn an toàn vào mùa sinh sản cho các loài thủy sinh từ đó ngày càng thu hẹp dần do người dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
Thế rồi, hệ quả nhãn tiền của tình trạng lấn chiếm diện tích ven đầm phá để nuôi trồng thủy sản đã đến khi hệ sinh thái trải qua hàng triệu năm hình thành bị phá vỡ chỉ trong thời gian ngắn. Những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh vốn đã ít ỏi nay càng thưa dần dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, cạn kiệt tôm cá. Vùng đất đầm phá vốn đã nghèo khó, lại càng khốn khó hơn.
Hồi sinh “bức tường xanh”
Vùng ven biển, đầm phá thuộc thành phố Huế trải dài trên địa bàn năm huyện, thị xã: Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Đây được xem là “vựa thủy sản” nước lợ lớn nhất ở khúc ruột miền trung, cũng là nguồn sinh kế cho hàng nghìn hộ dân sinh sống ven vùng đầm phá này.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của con người dẫn đến hệ sinh thái của vùng đầm phá Tam Giang có nguy cơ bị phá vỡ. Đặc biệt, cả một vùng đầm phá rộng hàng chục nghìn héc-ta nhưng diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh còn lại rất ít.
Trước thực trạng đó, nhằm giảm tác động của thiên nhiên, bảo đảm an toàn cho vùng dân cư ven biển đầm phá Tam Giang, nhiều dự án bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá đã được triển khai thực hiện, trong đó, trồng rừng ngập mặn là một trong những biện pháp hữu hiệu.
Từ năm 2015, dự án “Đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” với tổng kinh phí đầu tư hơn 110 tỷ đồng đã được triển khai tại nhiều địa phương vùng đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế (trước kia). Những loại cây như đước, vẹt, bần, sú, mắm… được trồng tại các khu bảo vệ thuỷ sản ở thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Bình, ven đầm Lập An của thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc); xã Quảng Lợi (Quảng Điền) và rải rác một số khu vực nằm ven đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Vùng đầm phá Quảng Lợi (Quảng Điền) là nơi đầu tiên được triển khai trồng các loại cây dừa nước, bần với diện tích khoảng 40 ha, tập trung ở khu vực đầm phá thuộc các thôn Ngư Mỹ Thạnh, Thủy Lập, Tháp Nhuận...
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ người dân trồng rừng cây tại chân đập, ao hồ nuôi trồng thủy sản để bảo vệ, gia cố bờ bao đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường sống trước tác động của biến đổi khí hậu và mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân địa phương.
Sau gần 10 năm triển khai, giờ đây diện tích rừng ngập mặn đã trở thành nơi trú ngụ, bãi đẻ, sinh sôi cho các loài thủy sản. Một số loài cá, tôm có giá trị kinh tế một thời cạn kiệt, thậm chí biến mất như bống thệ, kình, mú, tôm rảo, tôm đất… nay đã xuất hiện trở lại là những tín hiệu tích cực cho người dân vùng đầm phá.
Trước đây, khi nhắc đến các dự án trồng rừng ngập mặn người dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh, thuộc xã Quảng Lợi thường dè dặt, e ngại bởi tâm lý sợ ảnh hưởng diện tích mặt nước vốn là nơi đánh bắt, khai thác thủy sản từ trước tới nay của người dân. Bây giờ, lợi ích từ những diện tích rừng ngập mặn đã hiện hữu.
Rừng không chỉ bảo vệ người dân trước thiên tai, lũ lụt mà tận dụng diện tích rừng ngập mặn trên, người dân Ngư Mỹ Thạnh đã tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch đưa du khách tham quan bằng thuyền, trải nghiệm các nghề bủa lưới, câu cá trên sông mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Cùng với đó, người dân còn khai thác lá dừa nước làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tiêu biểu có doanh nghiệp tư nhân Thủy Lập tổ chức thu gom lá dừa nước từ người dân, phục vụ sơ chế cung cấp cho các cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mái lợp chòi du lịch sinh thái.
Ông Phan Văn Ty, ở làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi kể, nhiều năm trước, cứ đến mùa bão, lũ, người dân lại lo mất an toàn thuyền bị hư hỏng, hoặc lũ cuốn trôi; đê bao nuôi trồng thủy sản hư hỏng thiệt hại lớn... Thế mà những ngày đầu triển khai trồng rừng ngập mặn, nhiều người dân vẫn phản ứng vì chưa thật sự tin tưởng vào lợi ích rừng có thể mang lại. Hầu hết người dân e ngại khi triển khai trồng rừng ngập mặn, diện tích khai thác, đánh bắt thủy sản sẽ bị thu hẹp, thu nhập từ đó sẽ sụt giảm theo.
“Giờ đây, người dân địa phương thật sự vui mừng khi rừng ngập mặn không chỉ giúp tôm cá nhiều hơn mà đã trở thành “bức tường xanh” bảo vệ tài sản, mùa màng, tính mạng người dân. Rừng ngập mặn đã là bạn tốt của người dân đầm phá”, ông Ty nói.
Nói đâu xa, trước đây, sau mỗi mùa lũ, mỗi hộ dân vùng ven đầm phá xã Quảng Lợi phải mất chi phí hàng chục triệu đồng sửa chữa đê bao, ao hồ nuôi tôm, cá. Từ khi có rừng ngập mặn, nơi đây đã trở thành chỗ neo đậu, trú tránh an toàn cho hàng trăm chiếc thuyền, người dân không còn tốn chi phí lớn đầu tư sửa chữa đê bao, ao hồ nuôi thủy sản của hộ gia đình.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Lợi Phan Đăng Bảo khẳng định, đối với địa phương, rừng ngập mặn thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, mùa màng. Ủy ban nhân dân xã đang xây dựng cơ chế quản lý, dự kiến bàn giao cho các chi hội nghề cá bảo vệ, khai thác; tranh thủ các chương trình, dự án xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
“Địa phương sẽ tranh thủ chính sách hỗ trợ quản lý rừng mỗi héc-ta là 300 nghìn đồng/năm để cấp cho các chi hội nghề cá phục vụ hoạt động bảo vệ rừng. Đồng thời kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí, như nguồn từ dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả”, ông Bảo cho biết.