Hồi sinh loài vật bị đóng băng 24.000 năm ở Siberia

NDO -

Các nhà khoa học vừa hồi sinh loài sinh vật cực nhỏ bị vùi lấp dưới lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, Bắc Cực trong 24.000 năm.

Sinh vật trùng bánh xe đã sống suốt 24.000 năm trong lớp băng vĩnh cửu Bắc Cực. Ảnh: CNN.
Sinh vật trùng bánh xe đã sống suốt 24.000 năm trong lớp băng vĩnh cửu Bắc Cực. Ảnh: CNN.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Current Biology ngày 7-6, không chỉ được hồi sinh, loài động vật đa bào nhỏ bé trùng bánh xe (bdelloid rotifer) còn sinh sôi nảy nở.

Các nhà khoa học Nga đã tìm thấy trùng bánh xe giữa một mẫu đất đóng băng lấy từ lớp băng vĩnh cửu Siberia.

Nhà sinh vật học Stas Malavin, phòng thí nghiệm đất tại Trung tâm Khoa học Nghiên cứu Sinh học Pushchino ở Nga, cho biết: “Báo cáo của chúng tôi là bằng chứng vững chắc nhất tính tới ngày nay về việc động vật đa bào có thể chịu được hàng chục nghìn năm trong trạng thái tạm ngừng hoạt động, trạng thái mà sự trao đổi chất gần như ngừng hoàn toàn”.

Trước đó, nghiên cứu của nhiều nhóm cũng cho thấy trùng bánh xe có thể sống sốt tới 10 năm khi bị đông lạnh. 

Lớp băng vĩnh cửu cổ đại ở Bắc Cực là một quần thể sinh vật cổ đại phong phú đến không ngờ đã tồn tại qua hàng thiên niên kỷ. Trong lớp băng này chứa các vi sinh vật  như virus, thực vật và rêu. 

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu Nga đã dùng phương pháp định tuổi bằng carbon phóng xạ và xác định rằng loài vật mà họ lấy lên từ lớp băng vĩnh cửu đã 24.000 năm tuổi.

Hồi sinh loài vật bị đóng băng 24.000 năm ở Siberia -0
Một trùng bánh xe được hồi sinh. Ảnh: CNN.  

 Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho những sinh vật nhỏ bé này được sinh sản bằng phương pháp nhân bản vô tính.

Sau đó, nhóm nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 144 cá thể của dòng đã hồi sinh và đóng băng chúng lại ở nhiệt độ -15 độ C trong thời gian một tuần. Những sinh vật sống sót được so sánh với các sinh vật trùng bánh xe đương thời bị đông lạnh và hồi sinh. Thật hấp dẫn, các sinh vật trùng bánh xe cổ đại và hiện đại đều chịu được sự đông lạnh như nhau.

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn về quy trình với hy vọng xác định được cơ chế. Từ đó có thể giúp xác định cách bảo vệ tế bào của các sinh vật phức tạp hơn,

Đây không phải là lần đầu tiên sự sống cổ xưa được hồi sinh từ môi trường sống bị đóng băng vĩnh cửu. Rêu Nam Cực đã được trồng lại thành công từ mẫu rêu 1.000 tuổi được băng bao phủ suốt 400 năm. Hoa campion sống đã được tái tạo từ mô hạt nằm trong bụng sóc Bắc Cực được bảo quản ở lớp băng vĩnh cửu 32.000 năm tuổi. Giun tròn được hồi sinh từ lớp băng vĩnh cửu tại hai nơi ở đông bắc Siberia sau khi nằm trong lớp trầm tích hơn 30.000 tuổi.

Các động vật có vú đã chết từ lâu nhưng được bảo quản tốt, như loài gấu hang và ma mút tuyệt chủng, cũng được khai quật từ băng vĩnh cửu vốn đang tan ở một số nơi do khủng hoảng khí hậu.

Ông Malavin cho rằng khó có khả năng dạng sự sống lớn hơn có thể hồi sinh khi bị đóng băng theo cách này.

Ông nói: “Việc có thể hồi sinh sinh vật đa bào bị đóng băng và lưu trữ trong hàng nghìn năm là một điều chỉ có trong truyện viễn tưởng. Tất nhiên, sinh vật càng phức tạp thì càng khó. Với động vật có vú, điều này hiện bất khả thi. Dù vậy, việc hồi sinh chuyển từ sinh vật đơn bào sang sinh vật có ruột vào não, dù chỉ là vi sinh vật, đã là một bước tiến lớn”.