Cùng sự tham gia tại các điểm cầu của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ADMM+ và Tổng Thư ký ASEAN.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam dự tại điểm cầu Hà Nội.
Tại hội nghị, đại diện nước chủ nhà Brunei Darussalam báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức quốc phòng cao cấp ASEAN mở rộng (ADSOM+) họp tháng 4-2021. Tổng Thư ký ASEAN cập nhật tình hình hợp tác ASEAN thời gian qua.
Tiếp đó, các trưởng đoàn trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực và thế giới, đặc biệt là các thách thức an ninh phi truyền thống và an ninh phi truyền thống có ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực; đánh giá kết quả hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ thời gian qua.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang nhận định, tình hình an ninh khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn diễn ra trên mọi khía cạnh, các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục nổi lên và diễn biến phức tạp. Một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng nhất hiện nay là đại dịch Covid-19, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, có tiềm lực khoa học, công nghệ và nguồn lực.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đánh giá cao chủ đề năm 2021 của Brunei Darussalam, khẳng định ủng hộ các sáng kiến của Brunei Darussalam đưa ra trong năm 2021, tiếp tục thúc đẩy các cam kết đã đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đặc biệt là các sáng kiến nhằm phục hồi sau đại dịch Covid-19; đồng thời chia sẻ về vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19.
Về an ninh biển và vấn đề Biển Đông, Trưởng đoàn Việt Nam tiếp tục đề cao tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông, đề nghị các bên tránh có các hành động làm ảnh hưởng đến lòng tin, làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982, thực hiện đầy đủ DOC, hướng tới COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập ADMM, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của ADMM cũng như sự đóng góp của ADMM và ADMM+ đối với hòa bình, ổn định khu vực.
Cuối phiên làm việc buổi sáng, Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan của ADMM+ kỷ niệm 15 năm ADMM về việc thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hòa bình và thịnh vượng; trong đó Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và tám nước đối tác, đối thoại (nước Cộng) đã một lần nữa khẳng định ASEAN là động lực thúc đẩy trong ADMM+, hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác Cộng, trên tinh thần nâng cao trách nhiệm tập thể và không ngừng nỗ lực để thúc đẩy lòng tin.
Ghi nhận các thách thức an ninh chưa có tiền lệ mà khu vực và thế giới phải đối mặt, cũng như những hệ quả của các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, bao gồm bản chất xuyên biên giới của an ninh mạng, các mối đe dọa về hóa học, sinh học và phóng xạ, khủng bố, tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, bao gồm đại dịch Covid-19 cũng như thiên tai bao gồm những thiên tai do biến khí hậu làm trầm trọng thêm;
18 vị Bộ trưởng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ ADMM+, trong đó về ứng phó với dịch bệnh, các nước ADMM+ sẽ tăng cường đóng góp của các cơ quan quốc phòng trong việc ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát và ứng phó với sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm dịch Covid-19 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận dụng năng lực của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Quân y, Trung tâm Quân y ASEAN và Mạng lưới chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ.
Đối với việc ứng phó với các thách thức an ninh biển cũng như xử lý các vấn đề trên biển trong khu vực, các nước ADMM+, hội nghị nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, cũng như sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.