Tại Hội nghị, toàn bộ 19 quốc gia tham dự G20 cùng EU đều thống nhất rằng việc quản lý thị trường tài chính cần phải tiếp tục, cũng như cần phải ngăn chặn việc tài trợ cho khủng bố và trốn thuế. Tuy nhiên, các nước G20 lại không đạt được sự đồng thuận về vấn đề biến đổi khí hậu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối chấp nhận việc cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu, như đã thống nhất trong Hiệp định Paris.
Sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông cũng sẽ đánh giá lại việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào hiệp định này bởi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris có thể gây nguy hại cho việc đóng góp tài chính của các nước kém giàu có hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự tiếc nuối khi Mỹ đã ngăn cản G20 đạt được sự đồng thuận về vấn đề biến đổi khí hậu. Bà phát biểu: "Tôi rất vui mừng khi nhà lãnh đạo các nước thừa nhận rằng Hiệp định Paris về khí hậu là không thể đảo ngược". Bà Merkel cũng nhấn mạnh hiệp định cần phải được triển khai càng nhanh càng tốt.
Về phần mình, ông Trump đã đưa ra tuyên bố nói rằng Mỹ muốn giúp đỡ các nước khác tìm kiếm những phương thức sạch sẽ hơn trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuyên bố này sau đó đã được bổ sung vào bản tuyên bố chung, trong đó viết: "Mỹ sẽ cố gắng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác để giúp họ tiếp cận và sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch một cách sạch sẽ và hiệu quả hơn". Theo nội dung Hiệp định Paris, các nước tham gia hiệp định sẽ dần chấm dứt việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt và dầu mỏ.
Phát biểu trong buổi họp báo sau hội nghị, bà Merkel nói: "Cuối hội nghị, các cuộc đàm phán về khí hậu đã phản ánh sự bất đồng, tất cả các quốc gia với Mỹ. Và thực tế là các cuộc thảo luận về thương mại cũng rất khó khăn do quan điểm riêng của Mỹ"
Về vấn đề thương mại, các nhà thương thuyết của G20 và Mỹ đã tranh cãi quyết liệt trước khi thống nhất được những điểm chung tối thiểu. Cuối cùng, hội nghị tuyên bố "sẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm tất cả các hành động thương mại không công bằng và công nhận vai trò của các công cụ tự vệ thương mại hợp pháp" được áp dụng trong các trường hợp thương mại gặp trở ngại. Hội nghị cũng đề cập tới việc tiếp cận tự do tới các thị trường trên thế giới.
Tại hội nghị G20 lần này, không giống những tuyên bố công khai trước đây về việc chống lại các hiệp định thương mại đa phương bởi chúng "không công bằng" đối với nước Mỹ, ông Trump nói rằng ông không tin tưởng vào chủ nghĩa bảo hộ. Đây được coi như một thắng lợi nhỏ đối với G20. Bà Merkel khẳng định: "Khi chúng ta cùng làm việc với nhau, chúng ta đã đạt được nhiều thành công hơn hơn khi hành động một mình". Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi nhiều nguyên thủ G20 khác.
Bên cạnh đó, G20 đã đồng ý theo đuổi những thỏa thuận đầu tư mới với châu Phi. Các nước G20 muốn giúp đỡ các quốc gia châu Phi trong việc kêu gọi và cấp phép các khoản đầu tư khởi nghiệp với hy vọng những triển vọng kinh tế mới sẽ giữ chân người dân châu Phi ở lại quê hương thay vì kéo nhau di cư tới châu Âu như hiện nay. Bởi vậy, "Hiệp ước với châu Phi" đã trở thành một phần trong chiến lược chống nạn di cư của châu Âu.
Tuyên bố chung của hội nghị cũng khẳng định G20 đồng ý sẽ đẩy mạnh chống các dịch bệnh và tập trung nhiều hơn trong việc hỗ trợ phụ nữ". Tuyên bố nói rằng phụ nữ và giáo dục là chìa khóa cho sự thịnh vượng và phát triển.
Hội nghị cũng nhất trí chuyển giao vị trí chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm tới cho Argentina.
Trong suốt ba ngày diễn ra Hội nghị, các cuộc biểu tình chống đối đã bùng nổ ở Hamburg và phát triển thành các cuộc bạo động. Những người biểu tình cực đoan đã cướp phá các cửa hàng, đốt cháy xe cộ trên đường phố. Hơn 200 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình. 143 người đã bị bắt giữ và 122 người đã bị tạm giam. Một trong những cuộc biểu tình gây thiệt hại lớn nhất là cuộc biểu tình diễn ra trong lúc bà Merkel chiêu đãi các nhà lãnh đạo bữa tối tại một buổi hòa nhạc ở Elbphilharmonie.
Sau hội nghị, bà Merkel đã gặp gỡ các quan chức cảnh sát để cảm ơn họ và lên tiếng chỉ trích những người biểu tình. Bà cũng hứa sẽ có sự hỗ trợ ngay lập tức cho những người là nạn nhân của các hành động bạo lực. Để chuẩn bị cho hội nghị lần này, hơn 20 nghìn cảnh sát và lực lượng an ninh của Đức và quốc gia láng giềng đã được triển khai.