Đây là cuộc họp đầu tiên của các quan chức cao cấp kể từ Hội nghị SOM DOC-18 ở Đà Lạt tháng 10-2019. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này.
Các nước ghi nhận mặc dù chịu tác động của tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhưng ASEAN và Trung Quốc vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó có hợp tác bảo vệ môi trường biển, bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân…
Các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Đồng thời, các nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. ASEAN và Trung Quốc khẳng định cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thiện chí, đầy đủ, hiệu quả DOC.
Các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán COC dưới hình thức phù hợp. Các nước khẳng định lại mong muốn đạt được một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhận định, cho dù duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc, nhưng vẫn diễn ra tình trạng còn có các hành động đơn phương, vi phạm những quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN - Trung Quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc, thiện chí DOC và những cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng một văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và được ủng hộ rộng rãi.