Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị ngành Công thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía nam lần thứ 9 năm 2023 được tổ chức tại Hậu Giang, diễn ra vào sáng mai (6/10).
Theo báo cáo của Cục Công thương địa phương, 8 tháng đầu năm 2023, kinh phí cho công tác khuyến công của toàn vùng đã thực hiện đạt 42,48 tỷ đồng, đạt 40,1% kế hoạch năm, bằng 126,8% với cùng kỳ. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện 23,41 tỷ đồng đạt 60,43% kế hoạch năm; kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 19,07 tỷ đồng đạt 28,4% kế hoạch năm.
Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản xuất, kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.
Toàn hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương đã kịp thời triển khai theo các văn bản của Đảng, Chính phủ, bám sát diễn biến tình hình của cơ sở công nghiệp nông thôn, rà soát đánh giá tính cấp thiết, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với các hoạt động khuyến công được tăng cường, đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho chương trình khuyến công là thực hiện tốt việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Việc phân bổ và sử dụng kinh phí khuyến công Quốc gia được thực hiện đảm bảo nguyên tắc theo quy định. Công tác khảo sát, xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai ở nhiều địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.
Hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh.
Ông Ngô Quang Trung, Cục Trưởng Cục Công thương địa phương phát biểu tại hội nghị. |
Nhiều địa phương đã xây dựng được các đề án khuyến công quốc gia điểm tập hợp nhiều nội dung hoạt động khuyến công, cơ bản có chất lượng, tập trung trọng tâm, trọng điểm trong chế biến nông, thủy sản, nhằm phát huy các lợi thế so sánh của địa phương về nguồn nguyên liệu sẵn có để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững.
Cùng với đó, nhiều địa phương trong khu vực cũng đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã, để chủ động và nâng cao chất lượng đề án, bám sát nhu cầu thực tế từ cấp cơ sở.
Công tác thông tin tuyên truyền về khuyến công tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo hiệu ứng nhanh, lan tỏa thông qua các trang điện tử, trang mạng xã hội, tạo sự nhìn nhận tích cực của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển công nghiệp nông thôn.
Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục tạo thêm nguồn thu sự nghiệp cho các tổ chức dịch vụ khuyến công tại một số địa phương; dần mở rộng hướng phát triển tích cực cho các đơn vị sự nghiệp trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong bối cảnh mới…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các địa phương cũng đã trao đổi, chia sẻ cách làm hay, hiệu quả công tác khuyến công, nêu những hạn chế, tồn tại, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch khuyến công những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo.