Hội nghị lần này tập trung thảo luận về tầm quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng, nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng trong bối cảnh tình hình năng lượng toàn cầu đang có những biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phát triển kinh tế ở hầu hết các nước trên thế giới.
Hội nghị được tổ chức thành 3 phiên: Phiên đầu tiên là cuộc họp cấp cao giữa Bộ trưởng các nước do Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chủ trì; phiên thứ 2 là hội thảo trong khối tư nhân; phiên thứ 3 là Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các doanh nghiệp châu Á tham gia phát triển các dự án góp phần chuyển dịch năng lượng xanh dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng quan chức một số quốc gia.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước châu Á, Trung Đông và đại diện các tổ chức quốc tế đã chia sẻ, phân tích sâu về những khó khăn và lộ trình chuyển dịch năng lượng trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường đổi mới và hợp tác quốc tế nhằm đạt được mục tiêu trên.
Trên cơ sở “Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng châu Á (AETI)” được công bố tại Hội nghị lần thứ nhất, Hội nghị đã tiến hành cập nhật tiến độ triển khai các sáng kiến của khu vực công và tư, đồng thời tiếp nhận các đề xuất, giải pháp mới nhằm tiếp tục thực hiện các sáng kiến này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN, kèm theo đó là tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tăng nhanh.
Đứng trước yêu cầu về bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững, ngành năng lượng phải đối mặt với nhiều thách thức như cung ứng đủ điện, sạch, chất lượng và chi phí phù hợp.
Đây là thời điểm để Việt Nam xem xét đến cách thức chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo đi kèm với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã nỗ lực rà soát hoàn thiện kế hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ưu tiên phát triển điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sinh khối, đặc biệt là điện gió ngoài khơi; giảm dần tỷ trọng điện than.
Đối với các nguồn điện khí LNG chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydrogen (tăng dần tỷ trọng đốt kèm) và khi công nghệ đã chín muồi, chuyển hẳn sang sử dụng nhiên liệu hydrogen sau 20 năm vận hành, đồng thời có thể phát triển các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydrogen.
“Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng Công thương Việt Nam nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã lựa chọn 12 dự án tiêu biểu của châu Á để ký kết trước sự chứng kiến của các quan chức tham dự Hội nghị.
Tại đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với hai đối tác hàng đầu của Nhật là Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Kyuden để cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển và đầu tư dự án “Nhà máy nhiệt điện LNG tại Thái Bình” với quy mô công suất giai đoạn 1 là 1.500MW.
Việc dự án Nhiệt điện LNG Thái Bình được lựa chọn là một trong 12 dự án tiêu biểu của châu Á tham gia ký kết tại Hội nghị lần này đã thể hiện được vai trò quan trọng của dự án trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ban Tổ chức cũng đánh giá cao, đồng thời ghi nhận nỗ lực và quyết tâm của TTVN Group, Tokyo Gas và Kyuden trong việc hợp tác nghiên cứu, phát triển dự án trên.