Phát biểu trực tuyến trước HĐBA từ Hungary, Phó Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Kelly T. Clements kêu gọi HĐBA bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.
Bà cập nhật tình hình những người dân Ukraine đang tị nạn ở các nước láng giềng đã bắt đầu được tham gia các chương trình giáo dục, y tế của nước sở tại và hòa nhập dần với xã hội mới.
Bà cho biết, tuy nhiên, vẫn còn hơn 13 triệu người đang mắc kẹt ở những khu vực chiến sự nguy hiểm, không thể thoát ly và cũng không tiếp cận được với viện trợ của cộng đồng quốc tế, do đó rất cần HĐBA sớm có quyết sách hỗ trợ phù hợp.
Bà hoan nghênh các nước đã mở cửa biên giới tiếp nhận và hỗ trợ người di cư từ Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức những người Ukraine mất chỗ ở và vẫn ở trong nước.
Bà kêu gọi HĐBA bảo đảm mở hành lang nhân đạo để các nhân viên LHQ tiếp cận an toàn và không bị cản trở tới các nơi người dân đang cần.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc Antonio Vitorino cảnh báo sẽ có thêm nhiều dân thường mất chỗ ở và thiệt mạng trong cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn hiện nay, kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ người dân cũng như nhà cửa của họ và cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Ông Vitorino khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ tối đa những người dân Ukraine bị buộc phải rời bỏ gia đình, nhà cửa do xung đột.
Cuộc họp do Pháp (nước ủy viên thường trực HĐBA) và Mexico (nước ủy viên không thường trực HĐBA) đề xuất với sự tham dự của đại diện Ukraine và một số nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn.
Đây là cuộc họp lần thứ 6 của HĐBA về tình hình nhân đạo tại Ukraine, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua.
Cùng ngày, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ Martin Griffiths cho biết, khả năng các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn hiện vẫn còn xa, nhưng cũng có thể sẽ đạt được trong 2 tuần tới. Ông Griffiths đang tới Thổ Nhĩ Kỳ để kết nối đàm phán 3 bên với nước chủ nhà, Nga và Ukraine.
Theo báo cáo của Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khoảng 7,1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 4,79 triệu người tị nạn tới các nước láng giềng gần Ukraine.