Hiện nay, Hội chọi trâu Đồ Sơn đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thông lệ, thời gian chuẩn bị cho lễ hội là khoảng từ bảy đến tám tháng, bắt đầu từ Tết Âm lịch. Xưa nay, những nơi có trâu khỏe, thường được các sới tìm đến là ngoại thành TP Hải Phòng, hoặc các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình...
Trâu chọi phải hội đủ nhiều yếu tố, điều kiện. Một “ông Trâu” ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu gọi là trâu cổ cò; trâu có lưng dày, phẳng, háng rộng, thu nhỏ về phía hậu mới là trâu quý; sừng trâu chọi phải đen, đầu sừng vểnh lên như cánh cung, giữa hai sừng có túm lông xoáy tròn; mắt trâu đen, có tròng đỏ, mặt thuôn dài như mặt ngựa là trâu hay.
Năm nay, tham gia Hội chọi trâu Đồ Sơn có các phường Minh Đức, Vạn Hương, Ngọc Hải, Vạn Sơn, Ngọc Xuyên, Bàng La, Hợp Đức.
Vòng chung kết Hội chọi trâu Đồ Sơn 2014 diễn ra vào sáng ngày 2-9 tại Sân vận động trung tâm, với sự tranh tài của 16 “ông Trâu” khỏe mạnh nhất đã vượt qua vòng loại, chia làm tám cặp thi đấu. Theo Ban tổ chức, đã có tổng cộng 12.000 vé xem vòng chung kết được phát hành vvới mức giá 150 nghìn đồng/vé. Mặc dù đã được bán số lượng lớn, nhưng nhiều người ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã phải đặt trước nhiều ngày mới có cơ hội được vào sân xem các “ông Trâu” thi đấu.
Cơn mưa tầm tã từ sớm không ngăn được sự cuồng nhiệt của những người hâm mộ. Nhiều người dân địa phương đã tranh thủ mở “dịch vụ” cho thuê ghế nhựa, thậm chí là ... vỏ thùng sơn cũ úp ngược phục vụ du khách với giá “phải chăng” từ 20-50 nghìn/lượt. Không chỉ du khách hay những người dân địa phương, mà cả những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cũng không cưỡng lại được sức hấp dẫn của Hội chọi trâu Đồ Sơn.
Trọng tài chuẩn bị phất cờ báo hiệu bắt đầu trận đấu.
Sau tiếng loa giới thiệu, các “ông Trâu” được dẫn vào sới. Thông thường, khi còn cách nhau khoảng 20 mét, người dắt trâu sẽ nhanh nhẹn tháo bỏ thừng buộc mũi. Chỉ chờ có vậy, hai “ông Trâu” tăng tốc đâm thẳng vào nhau trong tiếng hò reo vang dội của hàng chục nghìn “cổ động viên”. Miếng đánh này được dân gian gọi là đòn “hổ lao”.
Khoảnh khắc hai "ông Trâu" đụng độ.
Một số “ông Trâu” do nhẹ cân, hoặc yếu hơn nên sẽ bị hất tung sau đòn “hổ lao”.
Ngoài miếng “hổ lao”, trâu chọi còn được huấn luyện nhiều “chiêu” như khóa sừng, móc hàm... Trong ảnh: “Ông Trâu” bên trái ngã vật do dính đòn của đối thủ.
Một trận đấu khác chuẩn bị bắt đầu.
Dưới thời tiết nắng nóng, "ông Trâu" này còn được "giải nhiệt" bằng cách tưới lên người nhiều chai nước.
"Ông Trâu" chiến thắng được chủ nuôi vỗ về sau trận đấu. Đây cũng là một hình ảnh đẹp và rất quen thuộc, gợi nhớ đến nền nông nghiệp lúa nước của Việt Nam.