Hội An nỗ lực giảm áp lực cho khu phố cổ

Từ ngày 15/5, thành phố Hội An (Quảng Nam) triển khai thực hiện phương án mới về tăng cường công tác quản lý hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố Hội An trao đổi với các cơ quan báo chí về một số giải pháp quản lý hoạt động tham quan nhằm giảm áp lực lên Khu phố cổ Hội An.
Lãnh đạo thành phố Hội An trao đổi với các cơ quan báo chí về một số giải pháp quản lý hoạt động tham quan nhằm giảm áp lực lên Khu phố cổ Hội An.

Phóng viên: Xin đồng chí vui lòng cho biết, nội dung chính của phương án mới mà chính quyền thành phố Hội An vừa đưa vào áp dụng là gì?

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Thành phố Hội An đã tổ chức bán vé tham quan vào Khu phố cổ Hội An từ năm 1995 đến nay. Từ đó, đến nay, thành phố đã nhiều lần điều chỉnh phương án và giá vé cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo phương án mới, thành phố vẫn giữ nguyên giá vé tham quan 120.000 đồng/vé, dành cho khách quốc tế (6 ô vé tương đương 6 điểm tham quan) và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa (4 ô vé tương đương 4 điểm tham quan).

Đây là giá vé áp dụng từ năm 2012 đến nay; phù hợp với quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về Ban hành Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An và Luật Di sản...

Trước khi thực hiện phương án mới, các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức lấy ý kiến của người dân trong khu phố cổ, cùng các đơn vị lữ hành và doanh nghiệp kinh doanh khách sạn. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy và được thống nhất thông qua phương án mới.

Theo đó, từ ngày 15/5, tất cả du khách trong nước và quốc tế có nhu cầu tham quan Khu phố cổ Hội An phải mua vé.

Phóng viên: Chúng tôi được biết, khi phương án mới chuẩn bị đưa vào áp dụng, có nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, phương án mới của thành phố đưa ra để "tận thu". Và nếu như vậy, sẽ đánh mất sự thân thiện của Hội An trong mắt du khách... Vậy đồng chí cho biết vấn đề này như thế nào và mục đích của chính quyền thành phố khi thực hiện phương án mới này là gì?

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Trước hết, tôi xin khẳng định, mục đích thành phố hướng tới không phải là tận thu, mà quan trọng là nhằm giảm tải áp lực lên Di sản Văn hóa thế giới và cơ sở hạ tầng do lượng người vào phố cổ quá đông; đồng thời nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích tại Khu phố cổ Hội An. Trong thời gian qua, nguồn thu từ vé tham quan đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích.

Từ nguồn thu này, thành phố đã đầu tư cho việc hỗ trợ sửa chữa di tích tư nhân, công tác nghiên cứu về di sản-di tích, các hoạt động về văn hóa-nghệ thuật, sự kiện lễ hội, xây dựng sản phẩm du lịch mới; đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, an ninh trật tự vệ sinh môi trường...

Việc làm của thành phố được các chuyên gia đánh giá là một mô hình tiêu biểu của việc "Lấy di tích nuôi di tích" và "Mang giá trị và cái đẹp của di tích đến cho mọi người".

Để bảo đảm công bằng, quyền lợi giữa người mua vé và không mua vé, giữa đơn vị lữ hành chân chính và không chân chính, thành phố Hội An đang tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An.

Theo phương án này, thành phố sẽ tập trung kiểm soát khách theo đoàn; còn khách đi lẻ thì khuyến khích mua vé, chứ không bắt buộc. Đối với người dân vào phố cổ để thăm người thân, ăn uống, chụp ảnh… không phải mua vé.

Tăng cường kiểm soát vé tham quan vào Khu phố cổ Hội An không chỉ bảo đảm công bằng cho du khách, đơn vị lữ hành mà còn nhằm giảm tải áp lực lên Di sản Văn hóa thế giới và cơ sở hạ tầng; đồng thời bảo đảm, tăng nguồn cho thu ngân sách. Qua đó, tiếp tục đầu tư trùng tu, nâng cấp di tích, bảo tồn giá trị di sản; hỗ trợ, nâng cấp sản phẩm du lịch để phục vụ người dân và du khách ngày càng tốt hơn.

Phóng viên: Nhiều người lo lắng, khi thành phố Hội An "siết chặt" hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan khu phố cổ sẽ làm cho du khách cảm thấy không thoải mái khi đặt chân đến Hội An. Vậy, thành phố đã có giải pháp gì để du khách an tâm, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Để triển khai thực hiện có hiệu quả phương án mới, ngoài bố trí nhân viên trực tại 10 điểm bán vé như trước đây, từ ngày 15/5, thành phố mở thêm các điểm đón tiếp, bán vé tham quan ngay tại các bãi đỗ xe; đồng thời đặt thêm 2 chốt kiểm soát vé mới nhằm tạo thuận lợi cho du khách khi mua vé cũng như hạn chế thất thoát nguồn thu từ bán vé tham quan.

Trên địa bàn Khu phố cổ Hội An hiện có 22 kiệt, hẻm. Ở những kiệt, hẻm này, thành phố bố trí 1-2 người túc trực, hướng dẫn du khách đến các điểm chính để mua vé tham quan. Ngoài việc bố trí thêm các phòng bán vé tại các bãi đỗ xe, thành phố còn phối hợp với các doanh nghiệp bố trí xe điện đón khách từ bãi đỗ xe vào các điểm đón trả khách gần khu phố cổ; đồng thời cử 40 người làm nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát hoạt động tham quan.

Mặt khác, thành phố cũng bố trí các điểm giữ xe không thu phí cho người dân sinh sống trong khu vực, giữ xe cho du khách; bố trí các điểm trung chuyển xe du lịch và kiện toàn hệ thống nhà vệ sinh công cộng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…

Cũng từ ngày 15/5, Hội An đã mở rộng không gian "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" và tổ chức các hoạt động văn hóa, trình diễn nghệ thuật... để người dân và du khách có thêm nhiều trải nghiệm. Đến nay, sau hơn một tuần, tăng cường công tác quản lý hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan khu phố cổ, thành phố Hội An đã nhận được sự sẻ chia, đồng tình, hỗ trợ tích cực của người dân địa phương và du khách.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!