Học giả thế giới đề cao chính sách đối ngoại của Việt Nam

Tiến sĩ Nakorn Serirak (N.Xê-ri-rắc), giảng viên tại Học viện Chính trị thuộc Đại học Khon Kaen (Thái Lan) đánh giá chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay dựa trên nền tảng hiểu biết, nhân ái, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, không chỉ giới thiệu, phổ biến hình ảnh đất nước để quốc tế hiểu hơn, mà còn tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương về chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu rộng hơn với các nước.

Tiến sĩ Nakorn Serirak, giảng viên tại Học viện Chính trị thuộc Đại học Khon Kaen (Thái Lan). Ảnh: TTXVN
Tiến sĩ Nakorn Serirak, giảng viên tại Học viện Chính trị thuộc Đại học Khon Kaen (Thái Lan). Ảnh: TTXVN

Trả lời phỏng vấn của TTXVN tại Thái Lan, Tiến sĩ Nakorn Serirak nhận xét chính sách đối ngoại của Việt Nam chủ trương thương lượng và giải quyết xung đột thông qua đàm phán ngoại giao đã góp phần duy trì hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới. Theo Tiến sĩ Nakorn Serirak, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chính sách đối ngoại của Việt Nam tập trung nâng cao sự hiểu biết của quốc tế về phong trào đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của người dân, giúp các quốc gia hiểu hơn và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc.

Tiến sĩ Nakorn Serirak cho rằng thế giới đã nhìn nhận cụ thể hơn về chính sách đối ngoại của Việt Nam khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mô tả rõ ràng rằng hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ xưa đến nay phản ánh nét độc đáo của bản sắc Việt Nam, nơi sức mạnh và việc thương lượng, thỏa hiệp hòa quyện với nhau. Thành công của Việt Nam trên nhiều phương diện được thế giới nhìn nhận ngày nay là một sự khẳng định khác về những thông lệ tốt nhất của chính sách phát triển quốc gia, trong đó có chính sách đối ngoại hiện nay được mô tả là chính sách ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Học giả này cho rằng thương lượng hòa bình và đàm phán hữu nghị vốn là chìa khóa của chính sách ngoại giao cây tre, không chỉ có hiệu quả đối với Việt Nam mà đối với nhiều nước, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á. 

Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc-Việt Marcel Winter (M.Uyn-tơ) cũng đánh giá ngoại giao Việt Nam là nền tảng tăng cường hợp tác hữu nghị, giúp nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã đạt được những thành công ngoại giao lớn trên thế giới, đặc biệt là tại Liên hợp quốc. Việt Nam luôn hoạt động rất tích cực với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng rất thành công khi tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, nơi có đội ngũ bác sĩ quân y của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả. Ông Marcel Winter cho rằng uy tín của Việt Nam, đặc biệt là ở ASEAN, là kết quả của một nhiệm kỳ Chủ tịch hết sức thành công, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nhất trí với nhận định này, Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam, Tiến sĩ Botz Laszlo (B.La-xlô) nêu rõ việc kiểm soát dịch bệnh nhờ những chính sách quyết liệt, tính kỷ luật nghiêm minh cũng như sự tin tưởng của người dân Việt Nam vào Nhà nước đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nhanh và liên tục trong bối cảnh dịch bệnh, điều này đã nâng cao được uy tín quốc tế của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Botz Laszlo, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong khuôn khổ của ASEAN rất hiệu quả. Những bước tiến lớn trong việc hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) là động lực cho việc mở rộng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary.