Chính vì vậy tại hội thảo Tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cán bộ giảng viên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác NCKH và CGCN do Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ GD và ÐT phối hợp tổ chức vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề tồn tại và hướng giải quyết trong giai đoạn tới. Trong nhiều bài tham luận và nhận định chung của các trường ÐH và CÐ vùng thuộc Bộ GD và ÐT tham dự tại hội thảo đều cho rằng: Nguồn tài chính tuy đã có tăng theo từng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu NCKH của các trường ÐH và CÐ, chưa được phân bổ và sử dụng có hiệu quả.
Theo GS,TS Hoàng Ngọc Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) thì: Nguyên nhân chính vẫn là: trong các trường CÐ và ÐH, Phòng, ban KH và CN là đơn vị có chức năng giúp lãnh đạo trường chỉ đạo, quản lý KH và CN, thì theo số liệu thống kê của 99 trường mà Bộ GD và ÐT nhận được thì chỉ có 48,5% số trường có phòng KH và CN riêng; 32,3% có phòng khoa học và hợp tác quốc tế; 8,1% có phòng quản lý khoa học và sau đại học; 8,1% có phòng đào tạo, khoa học và hợp tác quốc tế; 1% có phòng quản lý khoa học và thiết bị; 1% có đơn vị quản lý khoa học và tư vấn đào tạo và 1% chưa có phòng đảm nhiệm chức năng quản lý khoa học. Cơ sở vật chất được đầu tư từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của các trường...
Tuy nhiên trước thực trạng về phân bổ tài chính và quản lý thì công tác đầu tư tại các cơ sở giáo dục ÐH và CÐ lại chưa đồng đều về con số hằng năm. Theo PGS,TS Trần Thị Việt Trung, Trưởng ban quản lý khoa học của ÐH Thái Nguyên: Hằng năm lượng ngân sách mà một trường ÐH mạnh nhất thuộc ÐH Thái Nguyên chi cho công tác NCKH nằm ngoài ngân sách cũng chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh tế không cao từ các nguồn thu từ NCKH và CGCN, chưa thật sự thu hút và hấp dẫn đối với các giảng viên. Bên cạnh đó nhà trường cũng chưa thật sự coi trọng, chưa đầu tư một cách "bình đẳng" giữa 2 lĩnh vực: Ðào tạo và nghiên cứu. Trong khi đó nhiều trường vẫn đề nghị tăng lượng kinh phí cho các đề tài NCKH cấp Bộ.
Theo ông Phạm Mạnh Cường, Chủ tịch công đoàn trường ÐH GTVT: Khó khăn đầu tiên phải kể đến kinh phí đầu tư cho các đề tài NCKH, các dự án cấp Bộ của Bộ GD và ÐT còn hạn hẹp so với các đề tài, dự án của các bộ khác.
Trên thực tế số lượng các cơ sở đào tạo bậc ÐH, CÐ ở nước ta khá đông nhưng công tác triển khai NCKH vẫn còn hạn chế và nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và giảng viên các trường đại học và cao đẳng về tầm quan trọng đặc biệt của NCKH và CGCN chưa đầy đủ. Hoạt động nghiên cứu của nhiều trường đại học và cao đẳng còn chưa tương xứng với nhiệm vụ và tiềm năng về khoa học công nghệ và đào tạo của từng trường. Ðội ngũ cán bộ khoa học còn phân tán, chưa liên kết được với nhau để hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh.
Mặt khác các trường chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo mà chưa chú trọng và quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; Các chính sách tạo động lực cho nghiên cứu khoa học chưa đủ mạnh và hấp dẫn đối với đội ngũ giảng viên; Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học và cao đẳng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là những nghiên cứu có sử dụng các thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế; Công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và kiểm định chất lượng về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa thường xuyên, kịp thời.
Bên cạnh đó theo GS,TS Dương Thị Bình Minh: Một số giảng viên chưa quan tâm nhiều tới nhiệm vụ NCKH và chưa đặt đúng vị trí của NCKH trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao chất lượng đào tạo của giảng viên ÐH. Mặc dù kinh phí dành cho khoa học tăng đều hằng năm, tuy nhiên với nhiều giảng viên vẫn nghĩ thu nhập từ NCKH khó khăn hơn nhiều so với thu nhập từ hoạt động giảng dạy.
Nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ÐH đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, như: nghiên cứu xây dựng chương trình cho các bậc học, nghiên cứu đổi mới nội dung, tài liệu giảng dạy và phương pháp dạy và học; Hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học và đào tạo cán bộ khoa học trẻ kế cận cho các trường ÐH, CÐ; Bước đầu, hoạt động NCKH đã gắn với đào tạo trong các lĩnh vực KHCN ưu tiên như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học vật liệu, khoa học nông lâm ngư và khoa học giáo dục; Hoạt động KHCN của các trường ÐH, CÐ đã hướng tới chuyển giao công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng được một số phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ðể hoạt động NCKH và CGCN thời gian tới phát triển, GS,TS Hoàng Ngọc Hà đã đưa ra ba nhiệm vụ quan trọng của giáo dục bậc ÐH là: Sáng tạo ra tri thức mới thông qua NCKH và phát triển công nghệ; truyền bá những tri thức ấy và những tri thức kế thừa cho thế hệ đương thời và thế hệ sau thông qua đào tạo; thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, ý thức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân trong lòng người học.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới hoạt động NCKH của các cơ sở giáo dục ÐH sẽ theo đặc thù và năng lực của từng trường để có chính sách đầu tư phù hợp, đồng thời có cơ chế đấu thầu đối với các đề tài nghiên cứu và giao nhiệm vụ theo hợp đồng khoán sản phẩm. Thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ các công trình NCKH nhằm phát huy được nguồn lực, tạo ra động lực nghiên cứu...