Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 7/7, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã họp, xem xét, thảo luận, quyết định một số nội dung quan trọng; cho ý kiến về công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương (Ảnh: Mod.gov.vn)
Quang cảnh Hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương (Ảnh: Mod.gov.vn)

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì. Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng dự hội nghị.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu nhấn mạnh: Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 có ý nghĩa quan trọng. Cùng với việc góp phần xúc tiến thương mại và mở rộng hợp tác quốc tế cho các doanh nghiệp quân đội, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 còn là sự kiện tạo điểm nhấn trong đợt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân 22/12.

Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu, công tác chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024 phải được chuẩn bị thật chu đáo, bài bản, thể hiện đúng tầm mức của sự kiện. Các cơ quan, đơn vị liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh các tiến độ trong công tác xây dựng kế hoạch tổ chức.

* Sáng 7/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các hoạt động của Đại sứ Andrew Goledzinowski tại Việt Nam thời gian qua nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước; cho biết lãnh đạo hai nước đã có những trao đổi, chia sẻ những vấn đề quan trọng trên các diễn đàn đa phương.

Đại sứ Andrew Goledzinowski chia sẻ, Chính phủ Australia đánh giá rất cao những cam kết của Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ lộ trình chuyển đổi năng lượng, đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, góp phần nâng tầm quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Australia cũng rất quan tâm đến định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác, chế biến các loại khoáng sản quý, hiếm ở Việt Nam.

Thông tin về lộ trình triển khai Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn Australia sẽ tham gia xây dựng cơ chế phối hợp, cùng hành động của các nước phát triển và đang phát triển để đạt mục tiêu Net Zero và đề nghị Australia chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất hydro xanh, amoniac xanh từ năng lượng tái tạo với chi phí phù hợp; cách thức tiếp cận, quản lý lưới điện, hệ thống truyền tải năng lượng thông minh; giải quyết bài toán nguồn lực tài chính cho chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo; phương án thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch để bảo đảm độ cân bằng và ổn định hệ thống năng lượng...

Với nhiều điểm tương đồng trong thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, chống sa mạc hóa, ứng phó với nước biển dâng…, Phó Thủ tướng cho rằng hai bên có thể nghiên cứu, lựa chọn một số dự án cụ thể để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, phương thức quản lý, hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện của Việt Nam.