Hoàn thiện pháp luật về an toàn giao thông

Trật tự an toàn giao thông chính là thước đo về sự tiến bộ, phát triển của xã hội, nhưng những vi phạm lĩnh vực này đã và đang ở mức báo động, đến nay vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu nào có thể giải quyết tận gốc.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: HÀ NAM)
(Ảnh minh họa: HÀ NAM)

Đặc biệt, việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước. Nhất là khi sau 14 năm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, khi Luật không theo kịp sự phát triển của xã hội, của hạ tầng giao thông. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng phải ban hành những đạo luật mới thay thế hoặc điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với từng lĩnh vực.

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm tai nạn giao thông đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người; tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn gây lãng phí hàng tỷ USD.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuần tra, xử lý và tuyên truyền giáo dục, song các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến do ý thức của người tham gia giao thông chưa thật sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ,...

Tình trạng lái xe điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia vẫn chưa được xử lý triệt để. Cứ khi nào lực lượng cảnh sát giao thông ra quân xử phạt thì người tham gia giao thông tìm cách đối phó, dẫn tới kết quả kiềm chế và giảm số vụ tai nạn giao thông chưa bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố khách quan, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đến từ chính ý thức chủ quan của người tham gia giao thông khi cố tình đi vào đường ngược chiều, đường cấm, sử dụng ma túy, vi phạm nồng độ cồn,…

Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông xảy ra rất phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng hoặc chưa theo kịp yêu cầu thực tế đang là những nút thắt khó gỡ.

Thí dụ, tại tuyến đường bộ trên cao vành đai 3 của thành phố Hà Nội nhiều vị trí lên xuống tuyến đường này cùng xuất hiện tại một ngã tư lớn, đẩy dòng phương tiện trực tiếp vào nút giao, khiến cả tuyến trên cao và dưới thấp dễ lâm vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng.

Tuyến đường vành đai 2 trên cao của thành phố Hà Nội đang được hoàn thiện, sắp thông xe cũng gặp các tình cảnh tương tự. Cả lối lên, xuống khu vực Ngã Tư Sở quá gần đèn đỏ khiến lượng phương tiện đổ dồn vào một vị trí, hình thành những “nút thắt cổ chai” ở hai đầu đường vành đai 2. Điều này cũng gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm.

Theo các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phù hợp với sự phát triển của xã hội thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật về lĩnh vực này.

Trong đó phải có sự thống nhất, đồng bộ về mặt quản lý và những chế tài đủ mạnh, mang tính răn đe để xử lý triệt để tình trạng vi phạm. Đối với những bất cập trong hạ tầng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu cụ thể, có sự tính toán, quy hoạch lại các tuyến đường kết nối, trục đường song song, cũng như xử lý thời gian của đèn tín hiệu một cách hợp lý để giảm tải, tránh xung đột giao thông tại một điểm, thông thoáng chỗ này nhưng lại ùn ứ chỗ khác.