Hoàn thiện khung pháp lý để xử lý bất cập về cho vay ngang hàng

NDO -

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã nêu một số giải pháp trước mắt nhằm từng bước xử lý những bất cập về các hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 8/6. (Ảnh: LINH KHOA)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 8/6. (Ảnh: LINH KHOA)

Trong phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của các hình thức cho vay qua ứng dụng (vay qua app) mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending), được người dân ưa chuộng vì tiếp cận dễ dàng.

Tuy nhiên, hoạt động quản lý hình thức cho vay mới mẻ này dường như đang cho thấy những bất cập nhất định, đặc biệt là khi mới đây, các lực lượng chức năng vừa triệt phá 1 vụ án cho vay qua app lên đến hơn 5 nghìn tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho người dân. 

Chuẩn bị các chế tài đủ mạnh

Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó đáng chú ý có các ứng dụng về vay ngang hàng.

Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thế nhưng, P2P Lending lại tiềm ẩn không ít rủi ro, có thể gây tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. Những năm gần đây, ở khu vực châu Á từng xuất hiện cùng lúc hàng nghìn địa chỉ cho vay, nhưng lại không tách bạch giữa người cho vay và người đi vay. Thậm chí, có trường hợp người lập sàn công nghệ cho vay thực chất lại là người đi vay.

Hoàn thiện khung pháp lý để xử lý bất cập về cho vay ngang hàng -0
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 8/6. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra khảo sát, đánh giá về những tổ chức cho vay tương tự. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cụ thể, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành nhằm khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm các biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm liên quan đến P2P Lending, hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh.

Đưa ra giải pháp căn cơ với hành vi lừa đảo, đòi nợ

Nêu ý kiến tại phiên làm việc, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, tình trạng mạo danh người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trên các trang mạng xã hội hiện đang gia tăng nhanh chóng. Việc này xuất phát từ công tác quản lý chưa chặt từ phía các ngân hàng thương mại, gây khó khăn trong quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Hoàn thiện khung pháp lý để xử lý bất cập về cho vay ngang hàng -0

Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Bên cạnh đó, nhiều người dân dù không vay nợ nhưng lại bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua app nợ không được trả đúng hạn. Đại biểu đề nghị làm rõ những biện pháp từng bước hạn chế tình trạng trên.

Liên quan đến công tác quản lý tài khoản ngân hàng trước thực trạng lừa đảo hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã được ban hành đầy đủ, chi tiết.

Cùng với sự phát triển của công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số, tương lai cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử, xác thực qua điện tử. Thực tế, các cá nhân khi mở tài khoản đều phải xác thực định danh, mở tài khoản điện tử cũng phải thông qua chứng minh nhân dân, căn cước công dân.

Đối với hiện tượng lừa đảo mà đại biểu đã nêu, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho hay, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, cơ quan chức năng nhằm xác minh thông tin, đưa ra giải pháp cụ thể để cảnh báo người dân về các nguy cơ tiềm tàng.

Về việc đòi nợ gây bức xúc của các công ty tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, qua rà soát, cần thiết phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật, bao gồm cả những Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của các công ty tài chính.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV