Hòa Bình chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm hơn 74% dân số). Những năm qua, việc chăm lo đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số được tỉnh thực hiện có hiệu quả bằng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách, giúp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Ban Dân tộc kiểm tra hệ thống thủy lợi tại các xã đặc biệt khó khăn.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Ban Dân tộc kiểm tra hệ thống thủy lợi tại các xã đặc biệt khó khăn.

Chí Đạo là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, với dân số chủ yếu là bà con dân tộc Mường.

Cải thiện cơ sở hạ tầng

Đến xóm Ong Man, xã Chí Đạo có thể cảm nhận được dấu ấn các chương trình đầu tư, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Bùi Văn Chiến, Trưởng xóm Ong Man nhớ lại: Trước kia, việc đi lại của bà con rất khó khăn, mùa mưa đường lầy lội, trời nắng thì bụi bặm. Khi con đường được cứng hóa, việc giao thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn nên đời sống kinh tế của bà con cũng có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ về cây giống, con giống của các cấp chính quyền, đời sống thu nhập của người dân đã được cải thiện hơn trước.

Không chỉ ở xã Chí Đạo, các chính sách dân tộc đi vào cuộc sống đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều xã trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Nổi bật như Chương trình 135 đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện. Thu nhập và đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ hơn 31% (năm 2016) xuống còn 12,2% (năm 2020).

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn của Chương trình 135 đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 1.240 công trình, gồm: 715 công trình giao thông; 297 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 49 công trình trường học và hạng mục phụ trợ; 75 công trình thủy lợi; 21 công trình nước sinh hoạt; ba công trình điện; 80 công trình khác. Bên cạnh đó, Chương trình 135 đã có nhiều sự hỗ trợ thiết thực về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Theo đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp cho gần 48 nghìn hộ dân; hỗ trợ nhân rộng khoảng 30 mô hình giảm nghèo.

Nhờ hiệu quả từ Chương trình 135, Hòa Bình đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 3%/năm; có 20-30% xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hơn 80% xã có đường ô-tô đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa và có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Trước đây, xóm Trang, xã Gia Mô, huyện Tân Lạc là một trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh Hòa Bình. Đến nay, xóm Trang đã có nhà văn hóa được xây dựng khang trang, đường giao thông được cứng hóa thuận lợi... nhờ đó mà kinh tế của người dân ngày càng phát triển hơn, góp phần quan trọng để xã về đích nông thôn mới vào năm 2021.

Sự vươn lên của các vùng đất khó là minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở Hòa Bình trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho biết: UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế, xã hội 36 xóm đặc biệt khó khăn nhất tỉnh và phê duyệt Dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào H’Mông tại xã Hang Kia, xã Pà Cò, huyện Mai Châu. Sau 5 năm thực hiện, các xóm, xã đặc biệt khó khăn thuộc đề án và dự án trên đã vươn lên đạt mức bình quân chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến nay, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 13,11%. Đồng thời, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có đường ô-tô đến trung tâm xã; trường, lớp học ngày càng được xây dựng kiên cố (đạt 97,89%); hầu hết bà con ở vùng dân tộc thiểu số đã có nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất; đời sống từng bước được nâng lên; góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ■