Hỗ trợ thanh niên Khmer khởi nghiệp

Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, Huyện đoàn Tri Tôn và Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đã hỗ trợ thanh niên vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp cận nguồn vốn từ trung ương, tự tin khởi nghiệp vươn lên khá giả.
Anh Chau Kim Sêng (thứ hai từ trái qua) có thu nhập cao từ nghề nuôi cá, trồng rau thủy canh.
Anh Chau Kim Sêng (thứ hai từ trái qua) có thu nhập cao từ nghề nuôi cá, trồng rau thủy canh.

Chị Lê Thị Quyền Trang, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Tri Tôn cho biết, Tri Tôn có 19 ấp và 5 xã đặc biệt khó khăn, đồng bào Khmer chiếm gần 34% dân số của huyện. Ðể góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc, tuổi trẻ Tri Tôn đã đồng hành cùng thanh niên dân tộc Khmer cùng nhiều mô hình khởi nghiệp gắn liền với vùng dân tộc.

Cây chúc là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế của vùng đồng bào dân tộc Khmer; là một loại cây đặc sản của vùng Bảy Núi dùng làm gia vị cho các món ăn ngon nổi tiếng ở Tri Tôn như gà đốt Ô Thum, gà hấp lá chúc…

Anh Chau Qui Sal ngụ khóm Tô An, thị trấn Cô Tô đã chọn cây này làm điểm xuất phát. Năm 2023, Qui Sal trồng cây chúc trên 2 công đất vườn, hái lá bán cho các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền tây và Thành phố Hồ Chí Minh. Hay tin anh khó khăn về vốn, năm 2024, đoàn hội thanh niên tại Tri Tôn đã giới thiệu anh Qui Sal vay vốn 50 triệu đồng và hướng dẫn anh lập dự án tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2024 do Tỉnh đoàn An Giang phát động.

Ðược hỗ trợ vốn, hướng dẫn tận tình, anh Sal mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và thành lập Công ty TNHH Sall Organic Product. Anh Sal cho biết: "Ðây là công ty đầu tiên chuyên bán sản phẩm chúc ở Tri Tôn, trái chúc bán lẻ tại chợ trong và ngoài tỉnh để làm các món uống hay làm gia vị pha như trái chanh nhưng ngon hơn chanh. Trái có nhiều tinh dầu có mùi hương thơm nên chiết xuất làm hương liệu hay dược liệu đều được và tôi đang nghiên cứu các công dụng này".

Ngoài ra, gần một năm qua, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Sal đầu tư mô hình nuôi trùn quế tại vườn chúc và nghiên cứu sáng tạo ra hai loại sản phẩm hữu cơ là đạm dịch trùn Amin và đất trùn Amin. Anh dùng hai sản phẩm bón cho các loại cây trồng, hoa kiểng, trồng rau màu thủy canh và kết quả rất khả quan, giúp anh có thêm hướng đi mới. Và mô hình trồng chúc thu nhập cao của anh Sal đã tạo sự phấn khởi cho các thanh niên Khmer trong vùng.

Còn anh Chau Kim Sêng, ngụ khóm Tô Lợi, thị trấn Cô Tô cũng là gương làm kinh tế hiệu quả. Anh Sêng tốt nghiệp ngành Khoa học cây trồng, Trường đại học Cần Thơ. Tuy có việc làm ổn định nhưng anh đã quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi cá, trồng rau sạch. Anh tận dụng diện tích vườn tạp của gia đình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá trong bể bạt với diện tích 250 m2, mang lại nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy mô hình của Sêng có thể mở rộng quy mô, năm 2024, Huyện đoàn Tri Tôn, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ anh vay 110 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Từ nguồn vốn này, anh Sêng đầu tư vườn trồng rau, thả nuôi các loại cá đặc sản nước ngọt bản địa có giá trị kinh tế cao đạt hiệu quả, thu hút thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tham quan học hỏi. Anh Sêng cho biết, rau được trồng trên giàn thủy canh chủ yếu là rau muống, cải ngọt, cho thu hoạch hằng ngày khoảng 5 đến 10 kg, bên dưới thả cá.

Lợi thế của mô hình này là cây rau sẽ phân giải chất thải của cá thành chất dinh dưỡng nên bể cá không cần thay nước; cho trồng rau mới khoảng hơn 10 ngày hái bán, còn cá nuôi khoảng vài tháng thu hoạch. Rau của anh cung cấp cho tiểu thương tại chợ huyện với giá khoảng 15.000 đồng/kg.

Ðể đoàn viên thanh niên Khmer xã Lê Trì là vùng đặc biệt khó khăn có sinh kế, mới đây, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện, Huyện đoàn Tri Tôn thông qua Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh vận động Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam hỗ trợ 30 con bò cái sinh sản. Mỗi đoàn viên, thanh niên Khmer có hoàn cảnh khó khăn được nhận một con bò cái giống trị giá 20 triệu đồng.

Ðể mô hình bền vững, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện và xã Lê Trì đã thành lập "Tổ thanh niên hợp tác chăn nuôi bò" gồm 30 thanh niên. Các thành viên tham gia tổ hợp tác cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc, nuôi bò sinh sản…

Còn ở thị trấn Tri Tôn có mô hình hỗ trợ nữ thanh niên Khmer Chau Ngọc Dịu khởi nghiệp từ cây thốt nốt đạt hiệu quả; giúp chị nghiên cứu chế biến ra nhiều sản phẩm đa dạng như mật thốt nốt, sản phẩm này không những bán trong nước mà còn xuất khẩu giúp nâng tầm giá trị của cây thốt nốt.

Chị Trang thông tin, thời gian tới, đoàn hội thanh niên ở Tri Tôn tiếp tục tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả cao; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên. Ngoài ra, đoàn hội thanh niên sẽ biểu dương, khen thưởng, giới thiệu những mô hình, cách làm hay của các tập thể, cá nhân tiêu biểu.