Ba năm qua, để hoạt động hỗ trợ đến đúng phụ nữ có nhu cầu, mong muốn khởi nghiệp, Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã tiến hành thu thập, sàng lọc, lựa chọn, tập huấn cho hơn 46.820 ý tưởng kinh doanh của phụ nữ nhằm hoàn thiện kế hoạch, tăng cường các kỹ năng kinh doanh, kiến thức khởi nghiệp, quản lý tài chính; xây dựng kế hoạch truyền thông, tiếp thị số, kỹ năng mềm trong kinh doanh... Ðồng thời, Hội đã tạo cơ hội để các chị em doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm cũng như góp ý vào từng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã có hơn 38 nghìn phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp.
Ðáng chú ý, một trong những hoạt động quan trọng xuyên suốt đề án là tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp (PNKN) nhằm tìm kiếm các dự án/ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng để hỗ trợ hiện thực hóa. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày PNKN, thu hút hơn 24.640 phụ nữ có ý tưởng, dự án dự thi. Hầu hết các địa phương đều đã tập huấn, kết nối đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn nhằm hiện thực hóa ý tưởng, đề án cho chị em. Hằng năm, T.Ư Hội đều phối hợp các bộ, ngành, đơn vị tổ chức cuộc thi và Ngày PNKN với các chủ đề khác nhau như "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh", "PNKN sáng tạo - Kết nối thành công"... Trải qua ba năm, cuộc thi cấp T.Ư đã nhận được gần 2.000 dự án, ý tưởng tham gia. Trong đó, có 33 doanh nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc, 23 mô hình giảm nghèo, 43 hợp tác xã và doanh nghiệp tiêu biểu được hỗ trợ thực hiện với kinh phí hơn 30 tỷ đồng.
Năm 2020, T.Ư Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc thi và Ngày PNKN với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công" và đã có hơn 920 đề xuất dự án gửi về tham dự. Một trong những thí sinh dự thi năm nay, đó là chị Hoàng Thị Lợi, thôn Pác Cháng, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang với dự án "Bún khô Linh Phú". Với truyền thống làm nghề sản xuất bún tươi từ nhiều năm nay, tuy nhiên do bún tươi không để được lâu, năm 2015, chị Lợi đã đầu tư gần 70 triệu đồng mua máy công nghệ cao làm bún khô.
Sản phẩm làm ra được quảng cáo, giới thiệu qua mạng xã hội và rao bán phục vụ người dân trong xã và các vùng lân cận. Theo chị Lợi, sản phẩm bún khô của gia đình được làm chủ yếu từ bột gạo tẻ và sản xuất theo dây chuyền, bảo đảm quy trình từ việc lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, tạo ra sợi bún to, dai, không nát, không có chất tạo mầu, không chất bảo quản, thơm mùi hạt gạo. Nếu như trước đây, sản phẩm bún tươi chỉ để được một đến hai ngày thì nay sản phẩm bún khô có hạn sử dụng lên đến sáu tháng. Với dự án của mình, chị Lợi hướng tới mở rộng, phát triển quy mô sản xuất, tập trung đầu ra là các đơn vị trường học bán trú, siêu thị, thị trường bán lẻ, bán buôn cho các cửa hàng tạp hóa, hệ thống cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội. Ðồng thời, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng khắp đến các quán ăn, chợ nông thôn...
Chị Lợi mong muốn, tham gia cuộc thi lần này, dự án của mình sẽ được các cấp Hội LHPN quan tâm, tạo điều kiện về vốn để có thể mua thêm máy móc, tạo công ăn việc làm cho đối tượng lao động nữ nghèo, cận nghèo. Ðồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, góp phần quảng bá sản phẩm của địa phương.
Với mong muốn tạo cơ hội khởi nghiệp kinh doanh bình đẳng cho người khuyết tật, lan tỏa tinh thần dấn thân, vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống trong mọi tầng lớp nhân dân, năm nay, cuộc thi Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp đã được T.Ư Hội phát động. Ðến với cuộc thi này, chị Ðinh Thị Tuyết Ðào, chủ cơ sở đan móc len Phước Ðào (quận 7, TP Hồ Chí Minh) là một người phụ nữ khuyết tật nhưng giàu ý chí và nghị lực. Với mong muốn góp sức bảo vệ môi trường, chị đã đề xuất ý tưởng đan móc những túi đi chợ để đựng rau, củ, quả và túi đựng bình nước giữ nhiệt với nhiều mẫu mã đa dạng, có công năng sử dụng thuận tiện, bền lâu; đồng thời giúp người dân thay đổi thói quen dùng túi ni-lông, khuyến khích mọi người dùng bình và ly giữ nhiệt để hạn chế chai nhựa. Chị Tuyết chia sẻ: "Tôi hy vọng ý tưởng khởi nghiệp của mình sẽ truyền cảm hứng cho chị em phụ nữ không may mắn có quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ rào cản và định kiến với người khuyết tật. Ðồng thời là cơ hội để mở các lớp dạy nghề đan móc miễn phí cho chị em phụ nữ nghèo, khuyết tật và mở rộng cơ sở kinh doanh".
Trao đổi với chúng tôi, chị Hồ Thị Quý, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (T.Ư Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" đã tạo ra bước đột phá trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh của các cấp Hội LHPN. Qua đó khơi dậy tinh thần, động lực cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là hội viên, phụ nữ trên cả nước tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khởi nghiệp sáng tạo. Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện đề án; xây dựng khung đào tạo, nội dung đào tạo, hướng dẫn các ý tưởng khởi nghiệp từ cơ bản đến nâng cao, cách thức thương mại hóa một sản phẩm và tinh thần khởi nghiệp. Ðồng thời, xây dựng mạng lưới PNKN, kết nối, hợp tác quốc tế nhằm tác động chính sách hỗ trợ PNKN...
MINH CHÂU