Hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp, chuyển đổi số và tạo việc làm

NDO - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam tổ chức hội thảo "Người cao tuổi khởi nghiệp, việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh",  nhằm đề xuất các giải pháp hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp, nhân rộng các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp thành công trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo "Người cao tuổi khởi nghiệp, việc làm, chuyển đổi số góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh"
Hội thảo "Người cao tuổi khởi nghiệp, việc làm, chuyển đổi số góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh"

Trong những năm qua, để phát huy vai trò người cao tuổi, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về khởi nghiệp, dạy nghề, việc làm cho người cao tuổi. Nhờ đó, người cao tuổi đã và đang từng bước phát huy khả năng, thế mạnh, tích cực lao động, sản xuất, tạo ra của cải vật chất, cải thiện đời sống gia đình và tham gia đóng góp vào đời sống kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác khởi nghiệp, dạy nghề, việc làm với người cao tuổi còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số chính sách còn dừng ở chủ trương, chưa được các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa và đầu tư nguồn lực thỏa đáng.

Nhiều người cao tuổi chưa được khởi nghiệp, dạy nghề và thiếu việc làm, đa số người cao tuổi đang làm việc trong khu vực tư nhân, phi chính thức, thu nhập thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng cho biết: Theo số liệu của cơ sở dữ liệu dân cư, nước ta có hơn 16 triệu người cao tuổi. Mặc dù thể lực người cao tuổi có thể suy giảm, nhưng trí tuệ, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh rất phong phú.

Qua tổng kết phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi tháng 11/2023 cho thấy cả nước đang có 7 triệu người cao tuổi đang sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 455 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi, 321 nghìn người cao tuổi làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Như vậy, người cao tuổi đã và đang tích cực tham gia khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho cộng đồng. Tuy nhiên, khởi nghiệp đi liền với mạo hiểm, rủi ro, bên cạnh những người khởi nghiệp thành công, thì số người thất bại không nhỏ...

Theo số liệu thống kê năm 2020, 57% người cao tuổi nước ta không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội; hiện tại mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn; bằng 18% chuẩn nghèo thành thị, chỉ gần 15% người cao tuổi có tiền gửi tiết kiệm; 24% người cao tuổi cho biết thu nhập của họ chưa đủ cho chi tiêu hàng ngày... Trong hoàn cảnh hiện nay, đa số người cao tuổi nước ta chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội, hoặc thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, nhu cầu làm việc, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình của người cao tuổi nước ta đang là vấn đề lớn và cấp bách...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến, cũng như đề xuất một số chính sách, giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người cao tuổi khởi nghiệp, tìm được công việc phù hợp, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống của người cao tuổi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo đó, cần có các giải pháp về đào tạo, dạy nghề phù hợp cho người cao tuổi. Cần xây dựng các chương trình, dự án đào tạo hỗ trợ về chuyển đổi nghề hoặc nâng cao năng lực cho lao động cao tuổi đáp ứng theo nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương; cộng đồng nơi ở của người cao tuổi.
Nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo "đặc thù" phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp thu của từng nhóm lao động cao tuổi (tập trung cho nhóm lao động phổ thông và đào tạo các nhóm nghề trong khu vực dịch vụ không có yêu cầu cao về sức lực đồng thời linh hoạt về thời gian làm việc).

Hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp, chuyển đổi số và tạo việc làm ảnh 1
Ông Đặng Hữu Học (sinh năm 1963), ở thôn Kỷ Các, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển mô hình kinh tế VAC.

Xây dựng chính sách, quy định và cung cấp nguồn tài chính để khuyến khích người sử dụng lao động giữ lại và thuê những người cao tuổi, cụ thể cơ chế hỗ trợ tài chính (miễn giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, y tế đối với lao động cao tuổi chưa có thời gian đóng bảo hiểm), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cao tuổi...

Hỗ trợ lao động cao tuổi phát triển kinh tế hộ gia đình, khởi nghiệp sản xuất - kinh doanh tự tạo việc làm cho bản thân và những người cao tuổi khác; Có cơ chế thẩm định và cho vay với lãi suất ưu đãi (tín chấp) đối với các dự án có khả năng tạo việc làm cho người cao tuổi...