Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả một thế hệ

NDO -

Giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai.  

Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai, Hà Nội trao thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh bước vào năm học 2021-2022.
Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai, Hà Nội trao thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh bước vào năm học 2021-2022.

Hiện nay, cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có trên dưới 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành trong cả nước đang triển khai học trực tuyến.

Khó khăn mà dịch bệnh gây ra là quá lớn

Trong bài phát biểu tại lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" tối 12/9, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dịch bệnh ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục và đào tạo. Hàng triệu học sinh phổ thông đã không thể tới trường học tập một cách bình thường. Vì vậy, việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến là việc không thể tránh khỏi, vừa là giải pháp tạm thời, vừa là 1 phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, nhiều gia đình ở các địa phương trên cả nước, đã không thể và không đủ điều kiện mua sắm phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến.

Theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12/9, có khoảng trên 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận, huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền. Con số thống kê trên chưa tính tới các tỉnh thành hiện đang triển khai dạy và học trực tiếp nhưng cũng cần sẵn sàng phải chuyển sang học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh phát sinh.

“Sự bất bình đẳng trong giáo dục có nguy cơ bùng phát thành 1 vấn đề lớn và không chỉ còn là việc của riêng ngành giáo dục. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung toàn lực cho chống dịch, đã hỗ trợ cho nhiều đối tượng xã hội, đã quan tâm lo lắng cho ngành giáo dục, các địa phương. Ngành giáo dục cũng hết sức cố gắng, nhưng những khó khăn mà dịch bệnh gây ra là quá lớn”.

Kết nối bền chặt hơn con người với con người

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả 1 thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai. Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai.

Hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động “Sóng và máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, nhưng đây cũng chính là 1 hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho học sinh. Ngành giáo dục sẽ phối hợp thật tốt với các bộ ngành, các địa phương để tiếp nhận sự ủng hộ, điều phối, sử dụng hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng và công khai minh bạch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, đang và sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy và học trực tuyến, dạy và học trên truyền hình sao cho phù hợp với tình hình và thực tiễn chuyển đổi trạng thái nền giáo dục thích ứng với tình hình có dịch.

Ngành giáo dục sẽ chú ý các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ an toàn và giữ gìn sức khỏe cho học sinh trong thời gian học trực tuyến. “Tôi xin trân trọng cảm ơn và tiếp nhận mọi sự quyên góp, ủng hộ quý báu của tất cả các ban, bộ, ngành, các tập thể và cá nhân trong nước và quốc tế. Tôi xin nói thay cho hàng triệu em nhỏ sẽ được nhận sự hỗ trợ trong thời gian sắp tới lời cảm tạ và bày tỏ lòng biết ơn. Toàn thể ngành Giáo dục sẽ ra sức cố gắng, tự nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt trách nhiệm và sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân giao phó”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.