Hiệu quả từ việc dạy nghề

Các lớp dạy nghề cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk G’long, tỉnh Đắk Nông, đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là cơ hội giúp người dân thoát nghèo, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Các học viên thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk G’long tham gia lớp Tin học văn phòng.
Các học viên thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk G’long tham gia lớp Tin học văn phòng.

Gia đình H’Phương, bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đăk G’long thuộc diện hộ nghèo, bố em qua đời cách đây chưa lâu cho nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông được một tháng, H’Phương biết mình thuộc đối tượng được ưu tiên đào tạo và hỗ trợ kinh phí học lớp sơ cấp Tin học văn phòng, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức cho nên đã đăng ký theo học, với mong muốn tìm cho mình một cơ hội thay đổi, thoát nghèo đói.

Đều đặn mỗi buổi tối, H’Phương lại sắp xếp công việc cá nhân để đến Trường trung học cơ sở Nguyễn Du trên địa bàn xã tham gia lớp học. H’Phương cho biết, trước đây khi học tập tại Trường phổ thông dân tộc nội trú, trung học cơ sở-trung học phổ thông huyện Đăk G’long, em đã được học môn tin học. Tuy nhiên, môn tin học tại trường cũng chỉ được xác định là môn phụ, cho nên không tiếp thu được nhiều kiến thức. Còn đối với lớp học này, H’Phương xác định tin học có thể giúp thay đổi công việc trong thời gian tới, cho nên trong quá trình học tập, em luôn chuyên cần và cố gắng để đạt được kết quả cao nhất, với mong muốn có thể sử dụng máy vi tính thành thạo và có thêm một chứng chỉ nghề.

Không thuận lợi như H’Phương tham gia lớp học khi đã có kiến thức căn bản về tin học, chị H’Dê cũng ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đăk G’long, lần đầu tiếp cận kiến thức tin học khi ở tuổi tứ tuần. Chị cũng là học viên lớn tuổi nhất của lớp sơ cấp nghề Tin học văn phòng. Đi học trong điều kiện công việc nương rẫy, nhà cửa bộn bề, nhưng trong suốt thời gian tham gia lớp học, chị H’Dê đều sắp xếp thời gian khoa học, chưa nghỉ một buổi học nào.

Chị H’Dê cho biết, trước đây bản thân chỉ được nhìn thấy máy vi tính trên ti-vi, chưa có cơ hội được tận tay sử dụng. Chính sự tò mò đã thôi thúc chị đăng ký tham gia học nghề tin học. Mới buổi đầu tham gia, kiến thức về tin học có phần rất xa lạ khiến chị gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm học để mở mang kiến thức và có thể áp dụng vào thực tiễn của cuộc sống, chị H’Dê đã sớm vượt qua.

“Hiện tôi có thể sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, đọc tài liệu về trồng cây và chăm sóc vật nuôi. Tôi nghĩ, người dân địa phương, nhất là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên tham gia các lớp học nghề. Kiến thức sẽ giúp mọi người trong làm ăn, phát triển kinh tế, từ đó bà con sẽ có cơ hội thoát nghèo”, chị H’Dê cho biết.

Theo học lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’long, do Trung tâm dạy nghề huyện Đăk G’long tổ chức, chị H’Nga, xã Quảng Sơn cùng với 54 học viên được các nghệ nhân truyền dạy dệt thổ cẩm và các hoa văn thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Chị H’Nga cho biết, trước đó bản thân không biết dệt, nhưng khi được các nghệ nhân truyền dạy thì đã dệt được nhiều hoa văn và cách dệt khác nhau, thấy rất thú vị. Mục đích tham gia lớp học là để kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc mình, đồng thời việc học cũng để có thêm kỹ năng, kiến thức về dệt thổ cẩm, để những lúc nhàn rỗi chị tự dệt thổ cẩm mang đi bán tăng thêm thu nhập. Cũng theo chị H’Nga, tại địa phương có nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ việc học nghề, cho nên bản thân cũng muốn tham gia học một nghề để có cơ hội thay đổi cuộc sống.

Thời gian qua, huyện Đăk G’long luôn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương khuyến khích và đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài lớp Tin học văn phòng, dệt thổ cẩm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện đã triển khai các lớp chăn nuôi-thú y, dạy nghề sửa chữa xe máy, máy cắt cỏ… thu hút đông đảo người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo tham gia.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đăk G’long đã tổ chức được hơn 10 lớp học nghề, với hơn 310 học viên theo học.Các khóa đào tạo đều gắn với khả năng thực tế của người lao động, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cũng như thị trường lao động hiện nay. Một số lớp học nghề thu hút đông đảo người dân (ngoài đối tượng được hỗ trợ) đăng ký tham dự, với mong muốn có thêm kiến thức để áp dụng vào hoạt động sản xuất của gia đình.

Theo đánh của học viên, nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, các lĩnh vực lựa chọn dạy nghề đáp ứng được nhu cầu cần thiết đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc xóa đói, giảm nghèo, kết hợp với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc bản địa. Sau khi tham gia lớp học, trình độ canh tác, kỹ thuật sản xuất của học viên được nâng cao, rất thiết thực để áp dụng vào công việc hằng ngày, nhất là việc tiếp cận với tin học, internet, giúp người dân mở mang kiến thức, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, điều kiện cuộc sống.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Đăk G’long, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Năm 2022, toàn huyện tổ chức đào tạo được 11 trong tổng số 13 lớp nghề, với 332 người tham gia (đạt gần 73% theo kế hoạch); trong đó, 296 người đã tốt nghiệp. Qua khảo sát, sau khi tốt nghiệp, hơn 240 học viên đã tự tạo việc làm, góp phần tăng năng suất lao động, thu nhập.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk G’long Trần Nam Thuần cho biết, việc đào tạo nghề sẽ tạo ra cơ hội để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội thoát nghèo sau khi được đào tạo nghề và áp dụng trong thực tiễn. Thời gian qua, lãnh đạo huyện thường xuyên quan tâm, quán triệt, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên lựa chọn lĩnh vực, mô hình và đối tượng phù hợp với thực tiễn địa phương để triển khai công tác đào tạo; bảo đảm sau khi được đào tạo nghề phải phát huy hiệu quả kiến thức đào tạo trong thực tiễn, phải tạo ra sản phẩm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. “Thực tế những năm qua, đã có rất nhiều hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo thông qua việc đào tạo nghề, có những hộ đã trở nên khá giả với mô hình kinh tế phát triển bền vững tại địa phương”, đồng chí Trần Nam Thuần thông tin.