Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng, những năm trước đây, mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị; sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nhưng do địa hình rừng núi phức tạp, xa xôi, hiểm trở, đi lại khó khăn, trong khi lực lượng kiểm lâm tại các địa phương mỏng, nhiều công chức, viên chức bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác do chế độ đãi ngộ thấp cho nên việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về lâm nghiệp có khi chưa kịp thời.
Cùng với đó, trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo vệ rừng, nhất là thiết bị công nghệ cao trong giám sát nhằm phát hiện sớm các vi phạm, các mối nguy hại ảnh hưởng đến tài nguyên rừng dù đã được trang bị nhưng số lượng rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng và các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế. Nhu cầu đất sản xuất và sản phẩm gỗ ngày càng cao dẫn đến áp lực lên rừng càng lớn, gây ra khó khăn không nhỏ trong công tác bảo vệ rừng. Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, kéo theo nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại về rừng và ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi xác định, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số vào thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và phòng chống cháy rừng là giải pháp cốt lõi, góp phần giúp lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt nhiệm vụ.
Theo ông Nguyễn Lữ Thế Anh, Phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi), nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ số cho nên những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, khi ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS, các phần mềm Mapinfo, Microstation, QGIS, công chức, viên chức kiểm lâm thông qua ứng dụng kết hợp giữa các phần mềm có thể sử dụng hình ảnh từ vệ tinh cung cấp, bước đầu xác định vị trí và tính toán diện tích bị biến động. Sau khi nắm được sự thay đổi hiện trạng rừng thông qua ảnh vệ tinh từ phần mềm, Chi cục Kiểm lâm sẽ chuyển tải ảnh cho các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và địa phương để kiểm tra biến động thực tế từ hiện trường. Qua đó, đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn hàng chục vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, khi chưa có thiết bị công nghệ cao flycam, công chức, viên chức kiểm lâm phải đi bộ băng rừng đến tận nơi, di chuyển qua nhiều điểm để kiểm tra bằng mắt thường cho nên mất rất nhiều thời gian, công sức, độ chính xác không bảo đảm. “Bằng ứng dụng thiết bị flycam, người kiểm tra có thể đứng cách xa điểm kiểm tra và điều khiển thiết bị thực hiện việc kiểm tra với tầm nhìn từ trên cao, dễ dàng bao quát được biến động tài nguyên rừng. Từ đó, xác nhận được hiện trạng rừng thực tế với thời gian ngắn nhất và diện tích bị biến động với độ chính xác cao để đưa ra những giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế”, ông Nguyễn Lữ Thế Anh chia sẻ.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thông qua sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, chủ rừng, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra, xác minh các điểm cháy. Tính từ năm 2021 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã xác định và cung cấp hơn 2.200 điểm nghi ngờ cháy rừng để hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát hiện hàng trăm điểm biến động rừng và hàng nghìn điểm nghi ngờ cháy rừng, số vụ phá rừng, cháy rừng giảm, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2019 từ 50,63%, đến nay tăng lên 52,33%.