Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp an toàn ở Sóc Sơn

Thời gian gần đây, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy những kết quả đạt được, huyện Sóc Sơn đang tích cực nhân rộng các mô hình.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chăm sóc rau hữu cơ.
Người dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chăm sóc rau hữu cơ.

Sóc Sơn là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn. Do vậy, việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các mô hình nông nghiệp an toàn, hữu cơ ở Sóc Sơn đang phát huy thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nông nghiệp hữu cơ khẳng định vị thế

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân) hiện có tới 33 nhóm sản xuất rau màu với diện tích khoảng 30 ha. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 300 tấn rau củ quả các loại, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các sản phẩm rau của hợp tác xã đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Một số loại rau gia vị và bí xanh đã được giới thiệu sang các nước như Pháp, Ðức… Nhờ thị trường và giá bán ổn định, nghề trồng rau đã mang lại thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng/hộ.

“Nhóm chúng tôi có 7 thành viên với 1 ha trồng rau, chủ yếu canh tác các loại rau theo mùa như: rau muống, mồng tơi, mướp hương, bầu…, bình quân mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 100-150 kg rau, củ. Sản phẩm rau của chúng tôi đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam”.

Chị Ðỗ Thị Thanh, quản lý nhóm sản xuất rau Bái Thượng thuộc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân

Nói về quy trình canh tác rau hữu cơ ở Bái Thượng, chị Thanh chia sẻ thêm: “Hằng ngày, chúng tôi tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như rau cỏ, phân chuồng, rơm rạ sau đó đun đường đen và cơm nguội làm chế phẩm vi sinh trộn vào ủ phân. Sau ba tháng, các loại phụ phẩm sẽ hoai mục hoàn toàn. Lúc này, chúng tôi có thể sử dụng để bón cho cây. Khi cây có sâu bệnh, đa số bà con dậy từ sáng sớm, thức đêm để bắt sâu hoặc phun các loại chế phẩm sinh học bằng thảo dược tự chế. Khi nào sâu bệnh bùng phát không kiểm soát được, chúng tôi chấp nhận mất mùa chứ không sử dụng thuốc hóa học”.

Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, rau Bái Thượng đã khẳng định được chất lượng và xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Rau được giá bán, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thu nhập của hội viên trong nhóm khá cao, từ 10-12 triệu đồng/tháng, có tháng lên đến 15 triệu đồng.

Ngoài mô hình rau hữu cơ ở Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðiển hình như: Vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng 310 ha ở các xã Phú Minh, Bắc Phú, Tân Hưng; vùng trồng hoa nhài 128 ha tập trung ở các xã Phù Lỗ, Ðông Xuân, Bắc Phú, Tân Minh, Phú Minh, Phú Cường; vùng trồng rau an toàn, hữu cơ 450 ha ở Thanh Xuân, Ðông Xuân, Mai Ðình, Quang Tiến, Hiền Ninh, Tân Dân, Minh Trí, Trung Giã, Xuân Giang, Tiên Dược.

Ngoài ra, còn có vùng trồng chè an toàn 200 ha tập trung tại xã Bắc Sơn; vùng trồng đu đủ và chuối tiêu hồng an toàn tập trung 68 ha tại xã Nam Sơn.; vùng trồng dưa lê siêu ngọt tại xã Ðông Xuân diện tích hằng năm khoảng 40 ha… Trên địa bàn huyện có 18 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao và 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình hiện đang phát huy hiệu quả kinh tế và khẳng định được vị thế.

Phát triển nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm

Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện nay các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn có quy mô lớn ở Sóc Sơn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn ít; hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Nhận thức về việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại của một số cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ. Nhiều trang trại hoạt động sản xuất tự phát, phát triển chưa theo quy hoạch. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, đặc biệt là chính sách về đất đai để phát triển kinh tế hợp tác xã, trang trại.

Thời gian tới, Sóc Sơn sẽ phát triển và mở rộng các vùng, khu, trang trại chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản theo chuỗi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Ðỗ Minh Tuấn

Huyện sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái nhằm mục tiêu sản xuất hàng hóa chất lượng, tạo vành đai xanh cho Thủ đô, lấy nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao làm mục tiêu phấn đấu, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch trên địa bàn; củng cố và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, chính quyền và các cơ quan chức năng cũng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên các dự án công nghệ cao, các dự án tạo việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.